Loạt bài Văn chương Người Mỹ gốc Việt trên DiaCRITICS :: 2015 và hơn nữa

Lời mở đầu của Dao Strom (Biên tập viên/Giám tuyển loạt bài) và  Nguyễn Thanh Việt (Tổng biên tập) cho VƯỢT THOÁT VÙNG RÌA, loạt bài Văn chương Người Mỹ gốc Việt, ra mắt hồi tháng 10 năm 2015. Mỗi tháng chúng tôi sẽ khắc họa tác phẩm của một nhà thơ hoặc nhà văn.

For the original version of this article in English, click here.

Boat people illustration by Anthony Strom
Thuyền nhân, tranh minh họa của Anthony Strom

Trong VƯỢT THOÁT VÙNG RÌA, loạt bài được đăng hằng tháng, chúng tôi sẽ khắc họa tác phẩm của các nhà văn, nghệ sĩ hải ngoại người Việt và người Mỹ gốc Việt. Chúng tôi sẽ trình bày tác phẩm của các tác giả có tên tuổi, như Bao Phi, Andrew Lam, Lan Cao và nhiều tác giả khác, cũng như giới thiệu những tiếng nói mới mẻ, trẻ trung hơn.

Diễn đàn này do độc giả và biên tập viên hải ngoại người Việt và người Mỹ gốc Việt phụ trách. Phân định như thế nhằm làm rõ đây là không gian mà chúng tôi định nghĩa mình cho chính mình. Và ở đây, trong không gian chia sẻ này, chúng tôi tụ họp lại vài nỗ lực và những tiếng nói (rải rác) của mình.

Vậy thì, là một nhà văn người Mỹ gốc Việt hay nhà văn người Việt sống ở Mỹ năm 2015 có nghĩa là gì? Viết văn tại địa điểm này – về văn hóa, về thời gian, về bản sắc cá nhân – nghĩa là sao? Viết văn bây giờ liệu có khác 30, 40 năm về trước, có nên khác không và khác như thế nào?

Sự sụp đổ của Sài Gòn – sự kiện mở đầu cho cuộc bể dâu và “tái sinh” sau đó – giờ đã cách chúng ta 40 năm, cuộc chiến được nhắc tới giờ đã “chấm hết” sau 40 năm.

Khi chúng ta mới đặt chân đến Mỹ, và đối với nhiều người trong số chúng ta ở tuổi trưởng thành hồi cuối thập niên 1970, 1980, chúng ta chẳng có hình mẫu cụ thể nào, hay chẳng biết mình có thể và sẽ trở thành gì trong bối cảnh sống mới. Nhiều người trong số chúng ta được chào đón bằng lòng thương hại, trong mớ quần áo cũ kỹ xấu xí, hay bị coi là mọi da vàng (gooks) và đám người tiền sử. Người Mỹ tin rằng chúng ta ăn thịt chó, và họ không biết làm gì với những đứa trẻ như ta ở trường học. Nhiều người trong số chúng ta khóc ròng trong những năm mài đũng quần trên ghế nhà trường Mỹ để tìm ra lối đi, hay chí ít để học cách sống hai mặt. Thập niên 1980 là lúc chúng ta phải chọn quần áo kỹ càng, một số trong chúng ta, để không nhìn giống như “di dân mới qua” dù theo nghĩa đen một số chúng ta thật sự là như thế. Chúng ta lớn lên với các bộ phim Rambo, Trung đội, Ngày tận thế để hiểu những gì nơi chôn rau cắt rốn của mình đã gặt hái và dành cho những người đàn ông người Mỹ. Chúng ta chấp nhận Ông Miyagi, có thể cả Thành Long, và (bất hạnh thay) hình ảnh gã du học sinh Tàu trì độn trong bộ phim Mười sáu ngọn nến của John Hughes là một trong số những nhân vật Á Châu có tên mà ta thấy qua các mô tả của Hollywood khi mình lớn lên. Chúng ta thẩm thấu những định kiến thô thiển ấy, cùng lúc đấu tranh cật lực để thoát khỏi chúng. Chúng ta học lấy sự hàm ơn, sự xấu hổ, sự trông đợi lòng biết ơn. Chúng ta lượm lặt những câu chữ dễ dãi của chủ nghĩa thiểu số mẫu mực, thứ chủ nghĩa được cho là lát đường cho chúng ta đi. Chúng ta hiểu: cuộc chiến đã kết thúc. Hãy nhìn lại tất cả những thành công của bạn đi!

__________________________________________________________

Chúng tôi đang tìm 100 bạn đăng ký nhận bài mới. Các bạn đăng ký thứ 4, 40, 75 và 100 sẽ nhận được phần thưởng là ấn bản đầu tiên của cuốn tiểu thuyết được vinh danh, có chữ ký của tác giả Viet Thanh Nguyen, The Sympathizer. Bấm bên phải để đăng ký nhận bài qua email.

__________________________________________________________

Tuy nhiên, bằng cách nghiêm túc và hiệu quả hơn, chúng ta cũng học được hậu quả của sự vô hình và nhận thức cay đắng rằng nhiều bi kịch thật sự trong cuộc đời thật của nhiều người trong chúng ta sẽ chẳng bao giờ được biết đến.

Như một nhà thơ trong chúng ta từng nói: “VIỆT NAM KHÔNG PHẢI CHIẾN TRANH” [1] – câu nói thể hiện sự giận dữ về vấn đề bản sắc mà nhiều người chúng ta gặp phải khi đón nhận quốc tịch gạch nối, di dân, sau 1975, một bản sắc đã định nghĩa chúng ta quá sâu đến mức nó đánh dấu chúng ta như những sản phẩm của một vết thương, song vẫn phủ nhận tất cả những đau thương do vết thương đó gây ra.

Rõ ràng, thực tế bản sắc văn hóa thì phức tạp và đầy mâu thuẫn. Đúng, chúng tôi là/đã là sản phẩm của vết thương đó; và cũng đúng, chúng tôi phong phú hơn nhiều so với những gì các bạn sẵn lòng nhìn thấy, là sản phẩm của vết thương đó, từ nó mà ra, vượt cao hơn nó, ra bên ngoài nó.

Vậy nên mục đích ở đây rất đơn giản: để bước vào dòng chảy văn chương, nghệ thuật và văn hóa Mỹ như chính chúng tôi – không hơn, không kém, và chỉ có thế. Để tạo ra một không gian nơi đủ mọi sắc thái và phạm vi của các trải nghiệm, tưởng tượng, cảm thức của chúng tôi có thể có chỗ của chúng.

Dao Strom, Giám tuyển/Biên tập viên loạt bài & Nguyễn Thanh Việt, Tổng biên tập diaCRITICS.

Người dịch: Nguyễn Vân Hà, M.A., Giảng viên Khoa Ngữ văn Anh, ĐH KHXH&NV, Tp.HCM. Đã dịch các tác phẩm Việt-Anh, Anh-Việt như truyện ngắn “Gấu vượt núi” và “Đầm đỏ” của Alice Munro đăng trên Tiền vệ và báo Hội Nhà văn, truyện “Của thừa kế” của Virginia Woolf đăng trên Phụ nữ Chủ nhật số 35/2002, Hồi ký Điện Biên Phủ của họa sĩ Phạm Thanh Tâm “Drawing under fire” (Sherry Buchanan biên tập, Asia Ink, London, 2005) và nhiều sách, truyện khác.

***

[1]  Câu “VIỆT NAM KHÔNG PHẢI CHIẾN TRANH” lấy trong bài thơ của lê thi diem thúy, “mảnh bom giữa dòng nước xanh”, được trích dẫn dưới đây. Bạn có thể tìm thấy toàn bài (và nhiều bài khác của nghệ sĩ/thi sĩ này) trong ấn bản điện tử do The Drunken Boat xuất bản:

… tôi kể bạn nghe điều này
Để xé tan sự lặng im
Của ngày và đêm nơi đây

Tôi kể bạn nghe điều này
Để lấp đầy hố sâu trống rỗng
Của lịch sử chúng ta nơi đây

Chúng ta là những mảnh bom
Nổ nơi đây bởi cuộc chiến không ai muốn nhớ
Trên mảnh đất xa lạ này
Với vết thương quen thuộc nhức nhối
Mà sự sống sót của chúng ta phụ thuộc vào
Đừng quên Việt Nam không phải
Một từ
Một thế giới
Một tình yêu
Một gia đình
Một nỗi sợ
Để chôn giấu

Hãy để mọi người biết
VIỆT NAM KHÔNG PHẢI CHIẾN TRANH

Hãy để mọi người biết
VIỆT NAM KHÔNG PHẢI CHIẾN TRANH

Hãy để mọi người biết
VIỆT NAM KHÔNG PHẢI CHIẾN TRANH

Mà là một phần
Của
Chúng ta,
Là chị em ta
Và chúng ta là những gì
Còn nhiều hơn thế

lê thi diem thúy sinh năm 1972, là tiểu thuyết gia và nghệ sĩ trình diễn, người đã cùng cha trốn khỏi Việt Nam, vượt biên sang Mỹ năm 1978. Họ ở một trại tị nạn Singapore một thời gian trước khi định cư ở Nam California. Tác phẩm trình diễn lớn nhất của cô là Mùa hè đỏ lửa (Red Fiery Summer), ám chỉ chuyện quân đội Mỹ dội bom xuống Việt Nam. Mùa hè đỏ lửaNhững thân thể ở giữa chúng ta (The Bodies Between Us) đều được trình diễn tại Bảo tàng Nghệ thuật Mỹ Whitney và Nhà hát Vineyard ở Thành phố New York, cũng như ở nhiều nơi khác. lê thi diem thúy là tác giả cuốn tiểu thuyết The Gangster We Are All Looking For (Knof, 2003).


Tiểu sử Giám tuyển loạt bài: Dao Strom là nhà văn, nhạc sĩ sống tại Portland, Oregon. Cô đã xuất bản hai cuốn tiểu thuyết, Grass Roof, Tin Roof The Gentle Order of Girls and Boys. Dự án kết hợp sách ảnh với hồi ký của cô, We Were Meant To Be a Gentle People + East/West được ra mắt hồi tháng 10 năm 2015. Tác phẩm của cô nhận được sự ủng hộ từ Quỹ Nghệ thuật Quốc gia, Giải thưởng Nelson Algren, Hội James Michener Fellowship, Ủy ban Nghệ thuật Oregon, Hội đồng Nghệ thuật và Văn hóa Vùng (RACC). Cô tốt nghiệp Chương Trình Viết Văn của đại học Iowa, Writer’s Workshop. Cô sinh ra ở Việt Nam và lớn lên dưới chân núi Sierra Nevada phía Bắc California.


Bn có thích đc diaCRITICS không? Nếu có thì xin mời đăng ký nhn bài đây.

Vui lòng bỏ chút thời gian chia sẻ bài này. Chia sẻ (qua email, Facebook, v.v.) giúp quảng bá diaCRITICS. Mời bạn tham gia vào câu chuyện và để lại lời bàn. 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here