Bài Ngợi Ca Nguyễn Ngọc Loan, Viết Bởi Một Người Mỹ Gốc Việt (Phần 2)

Nhân kỷ niệm bốn mươi năm ngày “Sài Gòn sụp đổ,” ZM Quỳnh viết một lời ngợi ca dành cho Nguyễn Ngọc Loan. Trong loạt bài gồm hai phần này, Quỳnh đặt ra những câu hỏi then chốt: Có phải những anh hùng của chúng ta đã bị phủ nhận? Có phải lịch sử đã được nhồi nhét cho chúng ta chỉ với một nửa những sự thật, bị bóp méo để phục vụ một kế hoạch nào đó mà khi đó chúng ta đã quá trẻ để có thể hiểu, và bây giờ đã quá già để còn nhớ? Hoặc quan tâm?

For the original article in English, click here.

Có phải các Bức hình Nói dối? Hay là Truyền thông điều khiển chúng?

Nhiều người tin rằng bức hình do Adams chụp là một bước ngoặt cho người Mỹ vì nó thúc đẩy nỗ lực phản chiến tại Hoa Kỳ. Nhưng Adams lại hối hận vì điều này: “Ông ta thực sự là một anh hùng…” ông than thở trong một cuộc phỏng vấn trong chương trình “War Stories with Oliver North.” Với trái tim trĩu nặng, Adams viết lời ca tụng Loan cho tạp chí Time năm 1998, trong đó ông viết:

“Ông tướng đã giết Việt Cộng; còn tôi giết ông tướng với máy chụp hình. Tuy vậy các tấm hình vẫn là những vũ khí có sức tác động mạnh nhất trên thế giới. Người ta tin vào chúng, nhưng các tấm hình thực ra có thể nói dối, ngay cả khi không có sự điều khiển nào. Chúng chỉ là một nửa sự thật mà thôi.”

Người miền Nam Việt Nam, trong đó có Loan, đã chỉ trích cách truyền thông Mỹ miêu tả tấm hình “Hành quyết ở Sài Gòn.” Họ cho rằng các bài viết về vụ xử bắn này đã cho thấy sự thất bại hoàn toàn trong việc nhận thức đúng thực tế của cuộc chiến ở Việt Nam. Ví dụ:

Nguyễn Trường Toại, một người lính QĐVNCH: “Một trong những điều đáng buồn và đau đớn nhất mà tôi thấy… đó là lúc báo chí đăng tải hình ảnh tướng Nguyễn Ngọc Loan bắn vào đầu tên tù Việt Cộng trong cuộc Tổng Công kích Tết Mậu Thân 1968. Đọc những bài báo của các phóng viên người Mỹ, tôi có cảm tưởng họ không hiểu biết gì về thực tế chiến cuộc, về sự thực diễn ra ở Việt Nam.”

Tướng Lâm Quang Thi: “Nhìn lại, tôi nghĩ rằng việc truyền thông Mỹ đưa tin về Tổng tiến công Tết thực ra là một trường hợp điển hình về sự vô trách nhiệm của báo chí… Khi ông Tổng Giám đốc Tổng nha Cảnh sát Nguyễn Văn Loan hành quyết một sĩ quan Việt Cộng, người đã giết một số sĩ quan của ông trong một trận đối đầu ở Chợ Lớn…truyền thông Mỹ đã biến việc này thành một sự kiện gây xôn xao dư luận có lợi cho các nhà hoạt động phản chiến.”

Cũng có hàng tá các ý kiến bằng tiếng Việt trên mạng Internet. Đó là lời nói của những binh lính người Việt Nam đã từng tham chiến, những người đã sống sót – những người đã chứng kiến cuộc chiến từ những ngày đầu. Họ là những tiếng nói bị bỏ quên trong những bức tranh do người Mỹ vẽ ra – tiếng nói của những người đồng bào của chúng ta  – không phải của Eddie Adams, của NBC, của phóng viên người Mỹ. Họ có quyền được lắng nghe. Và bạn có quyền được nghe họ nói.

Trong tất cả những điều này, có một điều là chắc chắn. Dù rằng tấm hình phản ánh một sự kiện đã xảy ra ở một nước khác giữa hai người không mang quốc tịch Mỹ, “Hành quyết ở Sài Gòn” giờ rõ ràng đã trở thành một công cụ đả phá của lịch sử Mỹ .

Ngày 30 tháng 4 lại đến và Ba bật Tivi liên tục. Các chương trình đặc biệt về Chiến tranh Việt Nam được phát trên tất cả các kênh lớn. Tôi thấy đi thấy lại đoạn phim về ông. “Cha đỡ đầu của con đó,” Ba kêu lớn từ phòng khách. Tôi xỏ chân vào đôi giày pa-tanh. “Uh hum,” tôi ậm ừ, trượt vào phòng khách. Ba đã lát gạch hoa trên toàn bộ sàn nhà. Tôi như trên thiên đường! Mắt Ba dán vào Tivi. Một người đàn ông mặc chiếc áo sơ-mi kẻ ca-rô xấu xí nhất mà tôi từng thấy bị áp tải trên một con phố đầy bụi. Một phiên bản trẻ hơn rất nhiều của Ba đi cùng quân lính áp tải anh chàng mặc áo kẻ ca-rô xấu xí. “Xem này!” Ba nói một cách phấn khích. “Ba đó!” ông vừa nói vừa chỉ tay vào hình ảnh diễn ra không đầy nửa giây trong đó có hình cánh tay ông vung sang bên trái và mặt ông dưới chiếc mũ sắt quay về bên phải rời khỏi chiếc máy ghi hình. “Wow Ba, trông ba trẻ quá,” tôi nói. Lời nói của tôi khiến ba vui vẻ. Tôi thổi một bong bóng cao su cực kỳ to. “Xem kìa!” Ba vừa nói vừa chỉ tay vào màn hình, ngón tay ba che hình chiếc súng lục Bác Loan giơ lên. Ngón tay của ba di theo viên đạn khi đoạn phim được chiếu chậm lại (một cách thuận tiện). Một vạch nhờn xuất hiện trên màn hình TV khi ngón tay ba di chuyển theo viên đạn vào đầu anh chàng mặc áo kẻ ca-rô. “Bang!” ông nói và anh chàng kia ngã xuống đất. “Con có thấy không?” ông nói, quay về phía tôi. Tôi thổi một bong bóng nhỏ xíu. “Yeah Ba con thấy rồi, giờ con ra ngoài và trượt pa-tanh được không?”

Hình ảnh này đã trở thành biểu tượng của điều gì và theo đó, điều gì đã mất hoặc bị đánh giá thấp đi?

Lịch sử thường được phân chia thành từng mẩu vừa miệng ăn. Thực tế mà nói, chúng ta chẳng thể mang theo trong đầu tất cả những chi tiết của bao nhiêu sự kiện lịch sử. Thời xưa ở ta, lịch sử được gói gọn lại thành những biểu tượng anh hùng và nữ anh hùng – hai chiến binh phụ nữ cưỡi voi, một con rùa khổng lồ, một cây nỏ, vua rồng và tiên nữ, một cậu bé trên lưng con ngựa bay.

20150404_Donate-Subscribe-diaCRITICS_640x120f

Đối với tôi, một “anh hùng” hay “nữ anh hùng” là một người được kính trọng vì họ đã làm hay nói một điều gì đó có tác động đáng kể và tượng trưng cho một điều gì đó quan trọng như là những cuộc đấu tranh của một dân tộc. Người đó không cần phải hoàn hảo; thực ra họ có thể mắc sai lầm, một điều rất người. Họ trở thành một phần huyền thoại, một phần lịch sử – như chủ yếu mang tính biểu tượng.

Chưa đánh giá vội xem Loan có phải là một anh hùng hay không – đầu tiên hãy hỏi, Loan là biểu tượng cho điều gì? Đối với người Mỹ? Đối người miền Nam Việt Nam? Đối với bản thân bạn? Sau đó, hãy trả lời câu này: hãy nêu danh một anh hùng hay nữ anh hùng người Việt từ cuộc chiến tranh Việt Nam. Rất khó phải không? Có thể chúng ta đã không được phép có anh hùng.

Hay còn điều gì hơn thế? Đa phần, Loan được kính trọng một cách rộng rãi như một anh hùng bởi những người Việt lớn tuổi. Nhưng có thể sự thật của họ không hợp lắm với nghị sự chính trị Hoa Kỳ về Chiến tranh Việt Nam. Trên thực tế, những bài viết trên báo Mỹ đăng tải “Hành quyết ở Sài Gòn” đã thất bại trong việc trao cho người Việt sự tôn trọng đáng có với việc tường thuật công bằng về những sự kiện xảy ra xung quanh vụ việc. Điều gì đã xảy ra với tiếng nói của chúng ta? Phần nào của lịch sử của chúng ta đã thất bại trong việc được tấm hình bảo vệ? Những phần nào của những sự thật của chúng ta đã bị bào mòn?

Sau cuộc Tổng tiến công Tết, số dân thường và binh lính tử vong đã gây choáng váng. Chính phủ ước tính 14.300 dân thường bị giết hại và thêm 24.000 người nữa bị thương. Năm đó, QĐVNCH có số tử vong cao nhất, với 27.915 binh lính bị giết. Người Mỹ mất đi 14.589 người đàn ông và đàn bà trẻ tuổi. Chỉ riêng tại Thành phố Huế, VC đã chôn hơn 5000 dân thường và viên chức chính phủ trong các nấm mồ tập thể.

3770981390_3e99b76c15_o

Top View of People Returning to Their Damaged Homes

Vậy tại sao, căn cứ vào sự khốc liệt của Tổng tiến công Tết, tác động của nó tới miền Nam Việt Nam đã không có mặt trong những lời miêu tả về cuộc chiến? Thay vào đó, bối cảnh được tối thiểu hóa, mọi con mắt đổ dồn vào Loan, bỏ qua tất cả các hình ảnh khác, và, với sự trợ giúp của truyền thông, nhồi nhét tất cả sự dơ dáy của cuộc chiến vào riêng người đàn ông này. Rất nhiều sự dơ dáy là đằng khác.

Vậy Loan đã trở thành con dê tế thần cho tập thể như thế nào? Điều này không phải chỉ là một sự ước đoán. Hãy nhìn vào câu trả lời của báo The Washington Post về việc Cục Di trú và Nhập tịch (INS) tìm cách trục xuất Loan:

“… một số người Mỹ làm ra vẻ như Hoa Kỳ đã không vấy bẩn chính đôi tay mình ở Việt Nam và không có trách nhiệm gì đối với những gì đồng minh của chúng ta đã làm ở đó. Hay là họ nghĩ sự tham gia của chính chúng ta vào cuộc chiến, điều vẫn khiến họ thấy tội lỗi, có thể được chuộc tội bằng cách dâng hiến ông Loan như một vật hiến tế tập thể thích hợp?

Điều gì xảy ra khi lịch sử của chúng ta được lọc qua lăng kính của người khác?

Mùa xuân năm 1988, “nhà báo” Tom Tiede đi tản bộ vào Les Tres Continents, một quán pizza ở Burke, bang Virginia, để được phục vụ bởi một “người phương Đông nhỏ nhắn và cực kỳ gầy gò, bước đi với một chân giả, mang một nụ cười dán thường trực trên mặt để che đi vẻ ngoài buồn rầu, phiền muộn…u sầu.”[1] Tôi biết, bạn đang bực bội vì hai chữ “phương Đông” nhưng, hãy ráng chịu đựng cùng tôi.

Chính các cụm từ “nụ cười dán thường trực trên mặt” và “vẻ ngoài buồn rầu, phiền muộn…u sầu” mới khiến tôi phát cáu. Tiede đang cố gắng làm điều gì vậy?

Loan hỏi ông ta, “Quý vị muốn dùng gì?”

Một cuộc phỏng vấn, nói chung lại, là những gì Tiede muốn. Loan từ chối. Bài viết của Tiede, được đăng 20 năm sau Tổng tiến công Tết, sau đó tiếp tục thảo luận về câu chuyện của Loan và việc ông đã trở thành “biểu tượng của tất cả những gì sai lầm” với cuộc chiến. (Okay, ít nhất Tiede nhận định đúng về điều đó.)

Rồi Tiede kết thúc bài viết với lời khẳng định rằng Loan đã nói với bạn bè rằng ông đã chạm đáy khi trở thành kẻ “phục vụ thịt băm.” “Bạn bè” nào? Ai là những nguồn tin ông ta không nêu danh? Tiede sau đó viết rằng Loan “đi khập khiễng” sang một bàn khác để phục vụ nước cho khách hàng. “Không có gì ngạc nhiên là ông ta rất là u sầu,” Tiede bình luận.

Dựa vào sự quan sát của ai? Của Tiede? Mà Tiede là ai mới được chứ? Tôi tìm kiếm thông tin về ông ta trên mạng, cho vui. Không có nhiều điều đáng chú ý xuất hiện. Tôi tự hỏi liệu Tiede có “u sầu” về điều này. Hơn nữa, tôi tự hỏi liệu việc Loan được tô vẽ như một “người phương Đông gầy gò,” “phiền muộn,” “u sầu” như vậy có quan trọng không với Tiede, với bang Virginia, với đất nước này.

Giờ thì điều gì đang xảy ra? Điều gì đã xảy ra với kẻ giết người hung tợn, giận dữ, máu lạnh?  So sánh bài viết này với tác phẩm báo chí lỗi lạc trước đây của Tiede năm 1977 với tiêu đề, “Cựu tướng người Việt không hề ăn năn,”[2] trong đó Tiede miêu tả Loan như là một “Đao phủ,” một “kẻ hung ác trẻ tuổi,” một người đàn ông “làm ra vẻ hiên ngang một cách tàn nhẫn và lãnh đạo bằng bạo lực,” người “bị sợ hãi khắp nơi,” còng lưng và hói đầu với bộ răng khấp khểnh. Tiede quả là có tài vẽ biếm họa kiểu truyện tranh mang đậm những phán xét cay độc của chính ông ta. Tôi đoán nếu Loan cao lớn và đầu dầy những tóc là tóc và có bộ răng đẹp, ông ta sẽ nói Loan có vẻ duyên dáng của một tay bán ô-tô cũ dẻo miệng có nha sĩ đặc biệt có tài.

Nhưng thử tưởng tượng điều này – nếu Tom Tiede được thay thế bởi zm quỳnh thì sao? Điều gì xảy ra nếu tôi mới là người đi vào Les Tres Continents:

Tuần trước, Ông Nội qua đời. “Vì cô đơn,” tôi nghe Mẹ thì thầm với Ba. “Vì tuổi già,” Bác Loan nói, huých nhẹ tôi, mỉm cười. Cái nhìn của ông khiến tôi yên tâm rằng luôn có một cách tiếp cận câu chuyện khác đi. Suy nghĩ của tôi trở lại với Ông Nội – ông đã nhớ nhung điều gì và đến mức nào mà sự tiện nghi của một căn hộ xa hoa ở Virginia không thể làm nguôi ngoai đi được. Tất cả chúng tôi ùa vào một toa tàu và đi đến tiệm pizza của Bác Loan. Một cánh cổng sắt được kéo lại, đóng lối vào tiệm pizza từ trung tâm thương mại. Tôi nhìn chằm chằm đầy thèm muốn vào chiếc áo trễ vai đính kim sa trên cô ma-nơ-canh trong cửa tiệm phía bên kia cánh cổng. Những ông già, một số người bụng to như miệng cười của họ, ùa vào tiệm pizza. Cùng với họ là những người vợ và lũ con nít người Việt chạy nhốn nháo khắp nơi trong tiệm. Sô-đa được rót ra từ thùng và những chiếc pizza với cá ướp chiên đẫm nước mắm được mang ra. “Pizza Việt Nam!” Bác Loan tuyên bố. Đèn trong trung tâm thương mại lách cách tắt dần. Tiếng cười nói từ trong tiệm pizza càng trở nên ồn ào hơn, vọng lại từ những bức tường của trung tâm thương mại vắng vẻ. Bác Loan đặt tay lên vai Ba khi ông chế giễu Ba, kể những câu chuyện chiến đấu cũ mèm, khiến những người đàn ông ôm bụng cười lăn lộn, đập bàn ầm ầm, mặt đỏ gay, xúc-xích Ý và cá chiên vương lủng lẳng trên miệng. “Ew…” tôi thì thầm với cô em họ. Cô em tôi hất mái tóc tém… “Yeah…”

696BE663-5244-4505-875C-955287A32365

“Sự thật” đằng sau “Hành quyết ở Sài Gòn” là gì và nó đã biến thành sự thật của chúng ta như thế nào? 

…sự thật của người Mỹ gốc Việt chúng ta. Về câu hỏi này, tôi sẽ nói thế này: khi tôi chết tôi chỉ mang theo mình một điều – sự thật của tôi và tính chính trực của tôi. Hành trình đến vị trí của tôi hiện tại, con người của tôi, và lý do tồn tại của tôi. Và sự thật này có nền tảng của nó. Đối với tôi, nền tảng đó cần phải được dựa trên dữ kiện có thật, chứ không phải trí tưởng tượng. Và nó cần được viết ra bởi tôi hoặc dân tộc tôi. Tôi cần biết, bởi vì không biết có nghĩa là xóa bỏ, là không kính trọng những sinh mệnh đã ngã xuống, là không kính trọng những hi sinh đã được dâng hiến – là không kính trọng những hi sinh của chính tôi.

Và về câu hỏi điều này tác động đến chúng ta ra sao và tại sao nó quan trọng – tôi sẽ nói thế này: ở thời điểm đó, có “sự thật” của người Mỹ – một câu chuyện thần thoại phức tạp về giữ gìn “nền dân chủ” và đánh bại “chủ nghĩa cộng sản” đòi hỏi phải điều hàng trăm ngàn thanh niên Mỹ đến một miền đất lạ dù biết rằng nhiều người trong số họ sẽ không sống sót để trở về. Điều này bắt buộc phải tạo được một thông điệp để thuyết phục người dân Mỹ ủng hộ cuộc chiến và hi sinh người thân của chính họ. Điều này nghe quen thuộc quá phải không?

Thế nên cách tôi quan sát cuộc chiến được tính bằng cách tôi quan sát lập trường hiện tại của nước Mỹ với các nước khác. Một ví dụ cụ thể là “Cuộc chiến chống Khủng bố.” Một ví dụ nhập nhằng hơn, “Cuộc chiến chống Ma túy.” Cuộc chiến Việt Nam là nơi tập dượt cho các phân tích hiện tại về tuyên truyền – nó cho chúng ta hiểu rõ hơn về các cuộc chiến hiện đang được tiến hành – hữu hình và vô hình, ở nước ngoài và ở ngay sau sân nhà chúng ta.

Chúng liên quan trực tiếp đến tôi: con trai và con gái tôi, các bạn bè tôi hiện đang trong quân lực, và hơn hết, những điều (mà nhiều người trong số chúng ta coi là hiển nhiên) đã thêm vào các vấn đề toàn cầu, gây ra xung đột, nghèo đói toàn cầu, và cách ly khỏi đà phát triển chung. Nó cho biết tôi là ai về mặt đạo đức với tư cách là một người Mỹ gốc Việt.

Bác Loan đến cùng Ba vào một buổi chiều. Tôi giúp mẹ dọn dẹp phòng ngủ chính, đặt đôi dép mềm cho đôi chân ông, trải ga giường sạch, mở cửa sổ hướng về phía đông. Khi ông đến, chúng tôi đưa ông đến tiệm ăn ưa thích nhất của ông, đồ ăn Pháp-Việt. “Hay quá!” Tôi thì thầm và hò hét bên cạnh ông. Tại tiệm ăn, ly cà phê sữa đá được đặt lên bàn, món Poulet Ratio au Vin Rouge được phục vụ. Bác Loan trò chuyện với chủ tiệm người Việt bằng tiếng Pháp. Phía sau quầy khách hàng tranh nhau thanh toán hóa đơn cho bác Loan ngay cả trước khi đồ ăn được phục vụ. Ông còn không có thời gian ăn miếng nào vì người lạ từ mọi ngóc ngách của tiệm ăn đến bắt tay ông, nói với ông lời cảm tạ. Lời mời ăn tối, ăn trưa, ăn sáng dầy đặc những ngày ông ở California. Ba ưỡn ngực, “Ổng ở với tôi, với con gái đỡ đầu của ổng,” ông vừa nói vừa đẩy tôi ra phía trước. Tôi nghẹn vì nuốt vội chiếc bánh kem. “Chào Bác,” tôi cúi đầu. “Thế thì, ít nhất hẹn ăn tối nhé,” họ cố nài. Bác Loan mỉm cười, chống cây gậy và đi ra cửa. Trên Đại lộ Bolsa thêm nhiều người đến chào ông. Ông như một con rồng, ghé thăm hết chỗ này đến chỗ khác. Số lượng các cửa tiệm Việt Nam đã tăng gấp 10 lần kể từ lần trước ông tới thăm. “Cứ như thể ta đang đi giữa Sài Gòn vậy,” ông cười.

Thật thà mà nói, Tướng Loan đã tuyên bố ông không quan tâm. Ông đã chấp nhận vị trí của ông trong lịch sử với một sự đĩnh đạc nhất định. Nhưng tôi thì quan tâm. Sự thật nửa vời làm tôi khó chịu. Hoặc có thể tôi bực mình vì bị nói dối. Đó là lịch sử của tôi . Tôi muốn nó được trình bày đầy đủ, chứ không phải bị cắt xén tùy tiện để làm nguôi ngoai nhu cầu của một quốc gia nào đó. Tôi phải là người quyết định ai là người tôi kính trọng và vì sao, chứ không phải truyền thông, không phải một mưu đồ chính trị.

Với tôi điều này vẫn chẳng thay đổi gì trong thế giới của tôi hiện tại. Thế giới người Mỹ gốc Việt của tôi tại đất nước đa sắc tộc này – đất nước nơi một chút sự thật le lói từ một lời nói dối được chế tạo khôn khéo hay từ một sự thật nửa vời được đẽo gọt gần hết có thể được sử dụng để biện minh cho việc cách ly tổng thể và thường xuyên của các cộng đồng.

Sự thật là một hoạt động chủ động. Thừa nhận mà không phân tích, đặc biệt là trong thời đại Internet ngày nay, rằng tất cả các thông tin được mang tới cho chúng ta là đầy đủ và đúng sự thực, chỉ là một sự lười biếng. Vậy tại sao chúng ta có thể đối xử với quá khứ một cách ít chủ động hơn?

Với toàn bộ sự thật, bạn có thể định rõ lịch sử của chính bạn. Với toàn bộ sự thật, bạn có thể quyết định công nhận những người đã phục vụ và hi sinh cho chúng ta. Đối với tôi, cho dù tôi có gọi ông là “anh hùng” hay không, tôi kính trọng sự phục vụ và những hi sinh của Tướng Loan, và tình cảm nồng nàn ông dành cho đất nước Việt Nam mà cha mẹ của chúng ta đã chiến đấu để bảo vệ.

Theo ý kiến của tôi, chỉ có sự hiểu biết về toàn thể sự thật mới cho phép bạn có một câu trả lời và/hoặc giải pháp toàn diện và bền vững – một câu trả lời/giải pháp có tiềm năng tồn tại và bén rễ. Với một sự thật nửa vời, tất cả những gì bạn có thể làm là chiếc băng cứu thương. Những chiếc băng cứu thương ưa thích của tôi có hình Người Nhện dùng để dán lên những vết trầy. Nhưng, tất cả các băng cứu thương rồi cũng không dính nữa, dù chúng có chống thấm hay không. Tin tôi đi, tôi biết điều này. Tôi có những vết sẹo để chứng minh.

Năm trước khi Bác Loan qua đời, tôi trải ga giường sạch lên chính chiếc giường của tôi khi Bác Loan đến. Ông di chuyển liên tục, thăm viếng tất cả những người ông gọi là gia đình hay bạn bè, đôi chân ông không bao giờ đứng yên như trong cái ngày định mệnh đó, ngày 31 tháng 1 năm 1968. Ông đã không kịp gặp Ba lần cuối, Ba đã không còn minh mẫn từ gần một tháng trước khi Bác đến, cơn đột quỵ ảnh hưởng đến toàn bộ cơ thể của Ba. Mẹ ngồi trong vườn, những ngón tay già nua hái những lá cây bà thề sẽ chữa lành được cho Ba. “Cả hai chúng ta chỉ là những ông già…” ông nói khi ngồi bên ba tôi, cả hai người đều nhìn trân trân ra ngoài cửa sổ. Đôi mắt Bác Loan vẫn tinh anh và sáng, đôi mắt ba tôi thẫn thờ. Tôi vuốt tóc Ba, khép miệng ông lại, lau nước dãi. Bác Loan cầm tay tôi: “Chăm sóc cho ông bạn già của bác nhé. Ổng là một người lính tốt – một trong những người lính hiếm hoi của bác còn sống sót. Ổng như em trai của Bác vậy,” ông nói. “Vâng, chắc chắn rồi,” tôi cúi đầu, cảm thấy như mắc nợ ông một cách lạ lùng thay cho ba tôi.

Tôi đã vui trong lần cuối cùng ông tới thăm nhà chúng tôi. Sau khi ông đi, nỗi nhớ về sự có mặt của ông trong cuộc đời chúng tôi, luôn luôn chăm chú, luôn luôn thân thiện, luôn luôn hào phóng, còn ở lại mãi trong bầu không khí chúng tôi thở. Một phần nào đó của tôi biết đó là lần cuối cùng tôi còn nhìn thấy ông. Một phần khác của tôi biết ông sẽ không bao giờ hoàn toàn vắng bóng trong cuộc đời chúng tôi. Tôi đã không biết ông khi đó, vào thời điểm đó năm 1968, nhưng bây giờ tôi đã biết. Ông – một con rồng, một người anh hùng, một người đàn ông.

 

 

Bài tiểu luận này được ghi chú dày đặc. Để tìm hiểu thêm thông tin xin ghé thăm trang zmquynh.com hoặc liên hệ với tác giả tại [email protected]

Bài thơ và câu chuyện được viết chữ nghiêng là cách hiểu ẩn dụ hư cấu hóa của tôi về thái độ của một số người miền Nam Việt Nam về Nguyễn Ngọc Loan dựa trên nghiên cứu và điểm báo chí truyền thông, các trang blogs trên Internet bằng tiếng Việt, các thảo luận và trò chuyện trên mạng trong phần phản hồi của các blogs và bài báo tiếng Việt, v.v. Các đoạn này là một sáng tác hư cấu, mặc dù chúng dựa phần nào vào ông Nguyễn Ngọc Loan, một nhân vật của công chúng. Các tên, nhân vật, cơ sở kinh doanh, địa điểm, sự kiện và sự việc hoặc là sản phẩm của trí tưởng tượng của tôi hoặc được sử dụng một cách hư cấu. Bất kỳ điểm tương đồng nào với người thật, còn sống hay quá cố, hoặc với sự kiện thật, hoàn toàn chỉ là ngẫu nhiên.

[1] Tom Tiede, “Ex-Viet cop: I want to live a quiet life,” Ludington Daily News, March 26, 1988, p. 10.

[2] Xem thêm một bài viết khác của Tiede, cũng thiếu sự chu đáo về nghiệp vụ báo chí như vậy, bài “Ex-Viet General Unrepentant” [“Cựu Tướng Người Việt Không Hề Ăn Năn”], trong đó Tiede tuyên bố rằng có những “lời do nhân chứng kể lại” rằng Loan đã “bình tĩnh chọn người đàn ông đó từ một nhóm tù nhân” mà không trích dẫn bất kỳ nguồn nào về các “nhân chứng.” Thêm nữa, không lời kể nào như vậy đã xuất hiện trong các nguồn bình luận khác về tấm hình “Hành quyết ở Sài Gòn” trong đó những cá nhân có mặt được trích dẫn trực tiếp, chẳng hạn như nhiếp ảnh gia người Mỹ Eddie Adams. Tiede, Tom, “Ex-Viet General Unrepentant,” The Pittsburgh Press, Feb. 26, 1977.

 

 

Huong Nguyen (Nguyễn Thị Hường) làm nghiên cứu và dịch thuật tại Evanston, IL.

Z.M. Quỳnh nương náu trong một căn phòng nhuốm màu xanh nuôi dưỡng đôi bàn tay chai sạn mòn vì không ngừng chép lại những giấc mơ bồn chồn không yên. những cuộc sống trong quá khứ bao gồm những cuộc chơi rải rác qua những bãi mìn đô thị với mỗi bước hụt là một nhắc nhở rằng cuộc đời không dễ gì sắp đặt được bởi người vẽ bản đồ nghiệp dư này. bị lôi cuốn một cách phi lý vào việc dời non từng hòn đá một, quỳnh nhất quyết chế tạo một cỗ máy để kéo dài cuối tuần thêm một ngày (chỉ một ngày – đó là tất cả những gì cô cần!) để cô có thể hoàn thành một cuốn tiểu thuyết về hậu quả cuộc chiến Việt Nam.


 Do you enjoy reading diaCRITICS? Then please consider subscribing!

Please take the time to rate this post (above) and share it (below). Ratings for top posts are listed on the sidebar. Sharing (on email, Facebook, etc.) helps spread the word about diaCRITICS. And join the conversation and leave a comment! 

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here