Tháng Tư Đen/Black April

Trong bài này, Tổng Biên Tập của diaCRITICS Nguyễn Thanh Việt bàn về ý nghĩa của “Tháng Tư Đen”, hoặc chữ mà người miền Nam Việt Nam lưu vong dùng để gọi ngày kỷ niệm Thất Thủ Sài Gòn. Bài này được đăng vào tháng 4/2013, và đăng lại vào tháng 4/2014. This is a translation of diaCRITICS editor Viet Thanh Nguyen’s article “My Black April.” Read the English version here.

Have you subscribed to diaCRITICS yet? Subscribe and win prizes! Read more details.

Tháng Tư Đen là danh từ mà người Mỹ gốc Việt đã đưa ra để gọi tên ngày kỷ niệm Thất Thủ Sài Gòn, ngày 30/4/1975. Đây là ngày mà Miền Nam Việt Nam đã biến mất vĩnh viễn khỏi tấm bản đồ thế giới, nếu không phải là biến khỏi trái tim của bao nhiêu người. Trong ngày kỷ niệm này nếu bạn tình cờ có mặt tại khu vực sắc tộc Little Saigon, trong những thành phố Garden Grove và Westminster, trong Quận Cam, thuộc tiểu bang California, trong những tiểu bang đã thay đổi không còn như trước này của nước Mỹ bởi vì chúng ta đã đến đây, bạn sẽ nhìn thấy những người còn lại cuối cùng của nền Cọng Hòa Việt Nam tụ tập lại nơi đây trong nhiều loại quân phục sáng chói cùng với áo dài khi họ để tang cho đất nước đã mất của họ, Miền Nam Việt Nam. Ở đó, trên con đường All American Way, những người yêu nước này hát hai bài quốc ca, chào hai lá quốc kỳ của họ, và tuyên bố cuộc sống về sau này ở Mỹ của người Miền Nam Việt Nam là ở trong Vùng Không Cộng Sản của chính họ (vùng này cũng được biết đến là vùng Không Có Tự Do Ngôn Luận).

Lễ tưởng niệm Tháng Tư Đen được tổ chức tại Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam tại Quận Cam, năm 2010

Tháng Tư Đen đã khuấy động nhiều cảm xúc trong tôi. Một mặt, việc người ta có những nghi thức và những buổi lễ được tổ chức trang trọng là điều quan trọng, vì nó cho phép họ xây dựng những cộng đồng và truyền lại những truyền thống, những hồi ức và một nền văn hóa. Nếu những con dân Miền Nam Việt Nam lưu vong không làm như vậy cho chính họ thì ai sẽ làm? Cộng đồng người dân Nam Việt Nam lưu vong nhắc nhở cho chính quyền Cộng Sản về một lịch sử và một dân tộc mà họ muốn quên. Cộng đồng người dân Nam Việt Nam này đồng thời cũng nhắc nhở cho những người bạn Mỹ về một lịch sử và một dân tộc mà họ cũng muốn quên, hay ít ra, chỉ muốn nhớ lại trong cách thức giúp phục vụ cho lợi ích của nước Mỹ. Vì những lý do đó, gìn giữ ký ức về Miền Nam Việt Nam vẫn là một công tác văn hóa tối quan trọng.

Mặt khác, chúng ta có cần phải gọi đây là ngày kỷ niệm Đen? Thật thế không, người Việt Nam? Đây có phải là điều tốt nhất mà chúng ta có thể làm? Chứ chẳng phải màu Trắng là màu của chết chóc ở Việt Nam sao? Không phải trong những ngày tang lễ, chúng ta đã quấn quanh đầu một chiếc khăn tang Trắng sao? Không phải chúng ta, khi lần đầu tiên đến nước Mỹ, đã nghĩ rằng chúng ta đã đến một đất nước màu Trắng sao? Một đất nước của những người cùng Trắng như nhau, họ thích bánh mì Trắng và đó là một vấn đề bởi vì chúng ta thì thích bánh mì Pháp, điều này, khi nghĩ lại chẳng phải tự nó là một vấn đề? Một đất nước mà, trong một số tiểu bang, tuyết rơi có thể biến cả vùng đất thành màu Trắng – một dấu hiệu rõ ràng nhất cho thấy đất nước này không giống đất nước chúng ta, nơi không bao giờ có tuyết rơi, mặc dù nếu có thì cũng sẽ rất đẹp, vì đất nước của chúng ta nóng đến thế, điều mà chúng ta chỉ khám phá ra trong chuyến trở về nhiều năm sau? Một đất nước mà đã sản sinh ra một anh chàng thật khôn lanh, người trong khi lên kế hoạch cho ngày tàn của đất nước chúng ta, đã quyết định rằng, bài hát dùng để cảnh báo cho những người bạn Mỹ ở Sài Gòn rằng họ phải chạy ra máy bay trực thăng là bài Giáng Sinh Trắng? Một đất nước mà ở đó điều tốt nhất người ta có thể nói là ít ra gạo thì màu Trắng, cho dù đó là gạo ăn liền và được một người da Đen tên là Chú Ben làm ra cho mãi đến thập niên 1990, khi mà bỗng nhiên một số đông người da Trắng bắt đầu tuyên bố rằng cái mà họ thật sự thích là gạo Nâu, nếu không nhất thiết là người da Nâu? Vậy thì không phải đây là một đất nước mà ở đó sẽ có ý nghĩa hơn nếu dùng từ Trắng càng nhiều càng tốt, với hy vọng rằng cái Trắng đó sẽ dính vào chúng ta như trong thành ngữ Trắng như gạo? Nhưng điều đó có nghĩa là gì, Trắng như gạo? Vấn đề là – không phải Tháng Tư Đen nên là Tháng Tư Trắng sao?

Please subscribe or donate.

Nhưng dĩ nhiên, Tháng Tư Đen không bao giờ là Tháng Tư Trắng bởi vì một trong những điều đầu tiên chúng ta học được khi đến đất nước này là đất nước này thật sự không phải là đất nước của người da Trắng, hoặc không chỉ là của người da Trắng. Cứ xóa bỏ cái Trắng khỏi đất nước này rồi bạn sẽ thấy: ở bên dưới thật sự là cái không Đen. Khi lần đầu tiên chúng ta đến đất nước này lượng màu trắng xóa đi không đủ để chúng ta thật sự nhìn thấy điều đó. Hồi đó, thoạt tiên người da Trắng đã không biết phải làm gì với chúng ta. Vàng là một màu gây bối rối, mặc dù một số trong chúng ta thật sự gần Nâu hơn, vài người trong chúng ta không xa với Trắng. Đó không phải là vấn đề thật sự quan trọng, bởi vì chúng ta vẫn là Dân Châu Á (Gooks) đối với một số người Mỹ, ngoại trừ những người Mỹ có tư tưởng tiến bộ cởi mở, đối với họ, chúng ta là những người Phương Đông (Orientals). Một ít người da Trắng tốt bụng chào đón chúng ta, nhưng phần đông người da Trắng không muốn thấy những Dân Châu Á ở trong sân sau của họ. Họ kiểm tra cửa ngỏ để bảo đảm là họ đã được an toàn, họ luôn luôn canh chừng kỹ lưỡng hơn những con chó cưng của họ vì tin rằng chúng ta có thể lầm tưởng rằng chúng dành cho món dồi chó, họ phản đối các nhà biên tập báo chí, những nhà đại diện chính trị rằng họ không muốn đồng tiền đóng thuế của họ đem ra cứu Dân Châu Á, những kẻ mà những thanh niên Mỹ tốt đã chết vì họ, đã đổ máu Đỏ trong cuộc chiến chống lại những người Cọng Sản. Một số người da Đen chắc chắn cũng đã cảm thấy như vậy, điều đó không có gì lạ, bởi vì họ cũng là người Mỹ, điều này đã làm họ cảm thấy dễ chịu hơn khi họ so sánh chính họ với Dân Châu Á. Tất cả mọi người đều biết rằng ở nước Mỹ nếu bạn là người da trắng, bạn ổn rồi. Nếu bạn da đen, bạn nên bước lui phía sau. Ngay cả khi bạn da nâu, bạn chỉ cần đi vòng. Nhưng nếu bạn da vàng – thì hỡi ôi! Không được.

Hình ảnh người lính Mỹ và người lính miền Nam Việt Nam tại Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam, ở Quận Cam

Trong hoàn cảnh đó thì ít nhất người da Vàng đã ở đây nên chào đón chúng ta. Thế nên thật là ngạc nhiên khi khám phá ra rằng một số người da Vàng đã có mặt trên đất Mỹ cũng không cần chúng ta, bởi vì, mỉa mai thay, chúng ta không phải ‘Đỏ’. Đối với những người da Vàng đã trải qua những năm của thập niên 60 mang bên mình cuốn sách Đỏ nhỏ của Mao Trạch Đông, thật là khó chịu khi biết rằng người dân Việt Nam mà họ đã tìm kiếm trong tiếng hô Hồ Hồ Hồ Hồ Chí Minh, Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam sắp chiến thắng – không phải là những người Việt Nam xuất hiện trên bờ biển nước Mỹ. Dầu sao quyển sách nhỏ màu Đỏ là quyển sách mà chúng ta biết một nguời Châu Á tốt lẽ ra không nên đọc, và một số người trong chúng ta nhanh chóng bắt tay vào việc chứng minh rằng chúng ta có thể đọc tất cả những quyển sách khác đặt trước mặt chúng ta. Chúng ta muốn là những con người mà không để ai nhìn lại lần thứ hai. Chẳng mấy chốc chúng ta hiểu ra được rằng nếu chúng ta đã không thể là người da Trắng thì ít nhất chúng ta cũng có thể không là người da Đen. Đây không phải là một bài học chúng ta đã chỉ học được khi đặt chân đến nước Mỹ. Ngay tại đất nước chúng ta, chúng ta đã biết sự khác biệt giữa người da Trắng và người da Đen. Người Mỹ đã đem tất cả mọi thứ từ Mỹ đến đất nước chúng ta, kể cả sự phân biệt chủng tộc và điệu nhạc Blues. Ở Sài Gòn, khu vực Khánh Hội dành cho người da Đen, những người này gọi đó là thành phố Người Da Đen, và khu vực đường Tự Do thì dành cho người da Trắng, những người này có thể biết hoặc có thể không biết nó có ý nghĩa là Tự Do.

Những người tham dự lễ kỷ niệm 35 năm ngày Thất Thủ Sài Gòn, tại Đài Tưởng Niệm Chiến Tranh Việt Nam, ở Quận Cam

Do đó, để gọi tên ngày kỷ niệm sự Thất Thủ Sài Gòn chúng ta thật sự phải dùng chữ Tháng Tư Đen, mặc dù tôi không nhớ đã nhìn thấy một người da Đen nào tại lễ kỷ niệm Tháng Tư Đen. Mặc dù tôi đã nhìn thấy nhiều người da Trắng tại lễ kỷ niệm này, nhưng gọi đó là Tháng Tư Trắng có thể là một điều nguy hiểm. Người da Trắng sẽ hỏi, tại sao các bạn gọi ngày đó là Trắng? Liệu chúng ta có thật sự cần bảo cho họ biết rằng Trắng là màu của cái chết? Liệu chúng ta có thật sự cần chỉ ra rằng điện Pentagon là Trắng, tòa Bạch Ốc là Trắng, và tượng đài Washington cũng Trắng, và rằng trong khi người da Trắng nghĩ rằng màu Trắng có ý chỉ một cái gì đó trong sáng như tuyết bay hay như chất ma túy của Columbia, thì không nhất thiết một số người trong chúng ta phải đồng ý? Chúng ta có thật sự cần phải nói rằng nếu một người nào đó bị người da Trắng dội bom chết bỗng nhiên được báo về thủ đô Hoa Thịnh Đốn, thì người đó có lẽ nghĩ rằng màu Trắng mới thật là màu dành cho Bộ Người Chết? Chúng ta có thật sự cần phải giải thích cho người da Trắng, và ngay cả cho chúng ta, rằng mặc dù những người lính da Đen da Trắng da Nâu và cả một ít da Đỏ và da Vàng nữa tất cả đã dự phần trong cuộc tàn sát chúng ta, nhưng chính là tất cả những người da Trắng đã đưa ra những quyết định thật sự quan trọng? Chính là người da Trắng đã quyết định dội bom lên đất nước chúng ta nhiều hơn số bom đã dội xuống Châu Âu trong Thế Chiến thứ hai và chính là người da Trắng đã đưa ra những danh từ địa ốc như  những Vùng Tự Do Oanh Kích, những vùng mà ở đó được tự do săn người da Vàng, và ở những nơi đó, người dân Châu Á tốt là một người dân Châu Á đã chết.

Cựu chiến binh tại lễ kỷ niệm 35 năm

Một số người trong chúng ta đã chấp nhận những ý tưởng của người da Trắng đến mức mà nhiều năm sau chúng ta đã biện hộ cho MacCain khi ông ta đến Quận Cam và đã dùng từ Bọn Châu Á (Gook). Ông ta không có ý chỉ mình, một số trong chúng ta đã nói như vậy. Ông ta có ý chỉ những người Cọng Sản. Vì vậy chúng ta tiếp tục làm những tên Châu Á tốt, và một số trong chúng ta có lẽ vì vẫn còn mang máng nhớ đến Vùng Tự Do Oanh Kích dành cho những tên Châu Á xấu, nên đã đưa ra những thứ đại loại như Những Vùng Không Cọng Sản dành cho những tên Châu Á tốt. Điều này thật sự đã khiến người da Trắng cười chúng ta. Bởi vì họ đã hiểu ngay điều mà nhiều người trong chúng ta không hiểu. Những Vùng Không Cọng Sản là những vùng mà ở đó người da Trắng không phải lo lắng gì cả bởi vì người da Vàng đang bận thù ghét những người da Vàng khác mà có thể những người này là Cọng Sản. Trong những vùng không Cọng Sản này những Dân Châu Á tốt trong chúng ta có thể săn những Dân Châu Á xấu, mà điều này đối với người da Trắng lại thích hợp hơn là việc họ bị những dân Châu Á săn lùng. Những người Châu Á tốt không cần thiết phải làm ầm ĩ đến thế và tiêu phí nhiều năng lượng đến thế để săn lùng những người Châu Á xấu, khi mà thật ra rất dễ dàng để tìm ra Dân Châu Á xấu. Chỉ cần nhìn vào cái bóng của chính các bạn, hỡi người Việt Nam.

Cựu chiến binh tại lễ kỷ niệm 35 năm

Nếu chúng ta thật sự muốn đi vào lãnh vực tiềm thức, nếu chúng ta thật sự muốn giảng giải, chúng ta nên chỉ ra rằng cuộc chiến trên đất nước chúng ta (cả ở trên nước Lào và Cambodia) được thực hiện nhân danh Lý Thuyết Domino. Lý Thuyết Domino chỉ là cách nhìn thế giới qua hai màu Trắng Đen. Đã có người nào đưa ra lý thuyết mạt chược về địa lý chính trị chưa? Cho dù là vậy, đó là thuộc về người Trung Hoa, trong khi chúng ta thích món ăn Trung Hoa, chúng ta lại không thích người Trung Hoa, dù rằng, một số trong chúng ta có thể mang dòng máu Trung Hoa. Nhưng chúng ta đã đi quá xa rồi! Vấn đề là: Tại sao lại Tháng Tư Đen, hỡi người Việt Nam? Nếu bạn nghĩ tôi sai, chúng ta hãy gọi đó là Tháng Tư Trắng, chỉ một lần thôi, để xem người da Trắng nói gì. Chúng ta hãy gọi đó là Tháng Tư Trắng chỉ để nhắc nhở chúng ta về tục lệ để tang của chúng ta, vì một số người trong chúng ta đang muốn giữ gìn nền văn hóa của chúng ta. Chúng ta hãy gọi đó là Tháng Tư Trắng chỉ để tỏ lòng tôn trọng người da Trắng vẫn thường ở quanh ta và vinh danh nền văn hóa của người da Trắng mà chúng ta vẫn thường tiếp cận. Chúng ta hãy gọi đó là Tháng Tư Trắng chỉ để nhắc nhở người da Trắng rằng chữ Trắng không chỉ có một nghĩa và rằng một số người trong chúng ta không quên những gì mà một số người da Trắng đã làm. Chúng ta hãy gọi đó là Tháng Tư Trắng chỉ để người da Đen biết rằng chúng ta cùng đứng về phía họ, hoặc nếu việc đó đi quá xa đối với một số người trong chúng ta, thì biết rằng chúng ta không chống lại họ. Chúng ta hãy gọi đó là Tháng Tư Trắng bởi vì, cuối cùng, chúng ta có thể gọi Tháng Tư bằng bất cứ tên gì chúng ta muốn. Phải, hỡi người Việt Nam, nếu chúng ta phải gọi Tháng Tư bằng bất cứ tên gì – mặc dù có ai bảo chúng ta phải gọi nó bằng một cái tên đâu – thì chỉ một lần thôi, chúng ta hãy gọi đó là Tháng Tư Trắng.

Cao Thu Cúc dịch từ bài tiếng Anh “My Black April” của tác giả Nguyễn Thanh Việt.

Nguyễn Thanh Việt là giáo sư dạyVăn Chương (English), Nghiên Cứu Văn Hóa Mỹ (American Studies) và Sắc Tộc  (Ethnicity) tại trường đại học University of Southern California. Ông là Tổng Biên Tập của diaCRITICS và là tác giả của cuốn sách Race and Resistance: Literature and Politics in Asian America. Tháng 4 năm 2015 nhà xuất bản Atlantic Monthly Press sẽ phát hành cuốn tiểu thuyết The Sympathizer của ông. Cuốn tiểu thuyết này kể về những chuyện bắt đầu từ những ngày Tháng Tư Đen.

Cao Thu Cúc là giáo sư Việt văn về hưu, hiện sống ở San Jose. Bà từng dạy ở trường Bùi Thị Xuân (Đà Lạt), Gia Long/Minh Khai (Sài Gòn). Bà thường xuyên làm thơ, viết bài và dịch. Thơ, bài viết và bài dịch của bà đã được đăng trên các trang như tienve.org, vanchuongviet.org, và Nhật Báo Viễn Đông.

Have you subscribed to diaCRITICS yet? Subscribe and win prizes! Read more details.

Please take the time to rate this post (above) and share it (below). Ratings for top posts are listed on the sidebar. Sharing (on email, Facebook, etc.) helps spread the word about diaCRITICS. And join the conversation and leave a comment! What are your feelings about the Fall of Saigon or Black April?

2 COMMENTS

  1. Kính chào ông Nguyễn Thanh Việt.
    Cảm ơn ông đã cho chúng tôi được đọc bài Tháng Tư Đen trên Diacritics.
    Xin được góp ý với ông và quý bạn đọc về ”Tháng Tư Đen”:

    Bốn mươi năm Tội Ác cộng sản
    Ở trong trái tim mỗi người Việt Nam chúng tôi,
    mỗi ngày là Ngày 30 của Tháng Tư Đen*.

    Bốn mươi năm trước, ngày 17 tháng Tư năm 1975, Phnom Penh rơi vào tay cộng sản Khmers đỏ. Pol Pot và nhiều tên cầm đầu bọn sát nhân tập thể này vốn là đồng chí, đàn em và học trò của Hồ Chí Minh từ năm 1953. Hai nước trung lập Lào và Cam Bốt bị cộng sản Bắc Việt cài người, lấn chiếm, biến đường mòn thành xa lộ. Giao nửa phần đất nước cho Bắc Kinh ‘’bảo hộ’’ và ‘’kinh doanh’’, các lãnh tụ Việt cộng đưa hết lính chính quy chủ lực vào Nam, đóng dọc theo bên kia biên giới Lào-Cam Bốt. Được Trung cộng đào tạo và võ trang, được Liên Sô cung cấp chiến xa và hỏa tiễn, được chỉ huy bởi đông đảo cố vấn Trung-Sô. Đến ngày 30 Tháng Tư năm 1975, bộ đội cộng sản Bắc Việt xâm lăng miền Nam Việt Nam, tiến vào Sài Gòn. Báo cộng sản Pháp ngạc nhiên không thấy “nhân dân đồng khởi”. Và truy tìm không thấy một văn kiện nào của chính quyền Việt Nam Cộng Hòa chuyển nhượng hay bán đứng một phần đất nước cho Hoa Kỳ hoặc bất cứ một nhà nước nào khác. Cộng sản rao truyền rằng chúng lấy được miền Nam Việt Nam không có ‘’biển máu’’. Nhưng chúng tôi biết có nhiều con ‘’suối máu’’. Lịch sử mai sau, những nhân chứng và chứng tích, tuyên thệ trước đất trời, sẽ nói lên sự thật đầy đủ hơn. Người dân miền Nam bị lưu đày ngay trên quê hương, trong nhà tù lớn nhứt thế giới. Chỉ vì yêu nước nhưng không theo cộng sản, nhiều trí thức, triết gia, tu sĩ và người cầm bút, nhiều tài năng quốc gia bị cộng sản sát hại, thủ tiêu. Hàng triệu người phải bỏ nước ra đi. Bị công an bắt lại, câu lưu để tống tiền. Bị hải tặc cưỡng hiếp và tàn sát. Bị xua đuổi, chết đuối, chết đói khát, chết vì kiệt sức. Hơn nửa triệu người tị nạn bằng thuyền mất tích trên các biển phía Nam, biển Đông và Thái bình dương. Thay vì ‘’biển máu’’, Việt cộng đã tạo nên ‘’biển xác’’, xác người và xác thuyền..
    Việt Nam bị chia cắt hồi tháng Bảy năm 1954. Khác với Nam Hàn và Tây Đức, hòa bình và an ninh lâu dài không hề được quốc tế bảo đảm cho Việt Nam Cộng Hòa cần có để xây dựng miền Nam. Cộng sản Bắc Việt không ngừng phá hoại và khủng bố, chuẩn bị cuộc xâm lăng, từ Lào và Cam Bốt. Thủ phạm của tấn đại bi thảm kịch cho cả dân tộc, không phân biệt Nam Bắc, chính là Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp, Lê Đức Thọ, Phạm Văn Đồng, Lê Duẫn và đám cận thần, thân tín cộng sản. Họ cầm đầu đạo quân bản xứ, thứ lính đánh thuê cho đế quốc cộng sản Trung Sô để thống trị bán đảo Đông Dương. Cần phải xác quyết rằng cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam sau năm 1954 đến ngày 30 Tháng Tư năm 1975 không phải là một cuộc nội chiến. Lại càng không phải là cuộc chiến của Hoa Kỳ. Chúng tôi biết ơn hơn năm vạn thanh niên Hoa Kỳ và những chiến hữu đồng minh đã hy sinh để giúp đỡ nhân dân miền Nam Việt Nam chiến đấu tự vệ. Dân chúng Việt Nam Cộng Hòa không bị lừa dối như một số đồng bào bất hạnh miền Bắc. Vì vậy miền Nam mới có cuộc Kháng chiến chống cộng dù đơn độc nhưng dũng cảm, chịu nhiều tổn thất đau thương, trước biển người cuồng tín ‘’sinh Bắc tử Nam’’. Hàng chục triệu thanh thiếu niên của cái gọi là Việt Nam Dân chủ Cộng hòa đã bị bọn lãnh tụ cộng sản lừa gạt, cưỡng bức, lùa vào cỏi chết thảm khốc.
    Sau khi miền Nam bị cộng sản cưỡng chiếm bất hợp pháp, tâm hồn và trí tuệ của một dân tộc hiếu hòa, cởi mở và chân thật bị quản chế, biệt giam, che mắt, bịt tai, bóp nghẹt tiếng nói. Nền văn hóa Việt Nam kết tinh từ mấy ngàn năm bị thui chột bởi một ý thức hệ ngoại lai, độc ác và không tưởng. Con người bị tẩy não, mất nhân tính, biến thành vong thân vong bản. Bọn vệ binh đỏ Việt cộng đã tàn phá nhiều thư viện lớn, nhiều tủ sách hiếm quý vô giá của miền Nam tự do. Vô số tác phẩm văn chương, biên khảo triết học và tôn giáo đã bị tịch thu, tiêu hủy hoặc cấm đoán. Hàng trăm tác giả văn học bị đấu tố, kết tội độc đoán. Hàng chục vạn tù chính trị, ngôn luận và lương tâm bị nhục hình trong hàng trăm trại tù tập trung.
    Lịch sử sẽ ghi đậm nét : ngụy quyền Việt cộng đóng đô ở Hà Nội đối xử cực kỳ tàn ác, bất nhân với đồng bào miền Nam sau ngày 30 Tháng Tư năm 1975. Tồi tệ, kinh khiếp hơn thời thực dân Pháp. Dân cả nước cũng phải gánh đại khổ nạn cộng sản. Nhưng dân miền Nam vì bất khuất, biết liêm sỉ và ngay thẳng, bị cộng sản hành hạ, làm nhục, giết hại nhiều hơn hết. Cả nước bị nghiền nát dưới sức nặng của quân đội, công an và mật vụ. Bạo hành và trấn áp, thay vì phục vụ nhân dân và bảo vệ tổ quốc, những lực lượng võ trang cộng sản bị sử dụng để duy trì một chế độ độc tài hung ác và tham nhũng nhứt thế giới. Kể sao cho hết những trường hợp người dân bị buộc tội là thù nghịch, phản động, thuộc đủ mọi giới tính, tuổi tác và giai từng xã hội. Bị tra tấn, biệt giam, bỏ đói và đau ốm nặng không thuốc men, đày xa gia đình, nhiều nạn nhân đã chết cô đơn trong địa ngục cộng sản. Làm sao quên được tình cảnh đồng bào bị chà đạp nhân phẩm, lao công là hàng xuất cảng rẻ tiền, trẻ con và phụ nữ bị rao bán ra ngoại quốc làm nô lệ, các bà mẹ dân oan bị chiếm nhà cướp đất. Làm sao không phẩn nộ, đau xót khi những người yêu nước, nam nữ thanh niên, sinh viên, văn nghệ sĩ, nhà báo, tu sĩ, luật sư bị công an đội lốt côn đồ hành hung, đánh đập tàn nhẫn giữa ban ngày. Tội của họ chỉ là đã dám tuần hành để bày tỏ sự bênh vực nhân quyền, tố cáo bất công, tham nhũng. Và phản kháng hành vi xâm lược của Trung cộng, cùng thái độ khiếp nhược, đầu hàng và đồng lõa của bạo quyền Việt cộng. Trong lúc đi triều cống mới đây, các lãnh tụ cộng sản Hà Nội cúi đầu nhìn xuống đất, không biết nhục nhã, hổ thẹn trước gót sắt của lãnh chúa đỏ Bắc Kinh kênh kiệu.
    Tạm thay lời kết :
    ‘’Chế độ thực dân đã là xấu xa nhứt, nhưng bạo quyền Cộng Sản còn tệ hại hơn nhiều’’.
    Đó là tựa đề lớn của một bài viết mà nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt đã phổ biến và được nhiều nhựt báo ở Thụy Sĩ cho đăng nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày ký Hiệp định Genève năm 1954. Biến cố lịch sử đó đã khiến cho hàng triệu đồng bào đã phải lìa bỏ miền Bắc, liều chết, tìm đường vào miền Nam Quốc Gia, và sau đó là Việt Nam Cộng Hòa. Nhà thơ Việt Nam lưu vong đã viết từ 10 năm trước :
    (…) Khi xưa, Hiệp định Munich cũng đem lại ‘’hòa bình’’ ! Thứ hòa bình của Thần Chết trong các trại diệt chủng Auschwitz. Và tiếp theo là ‘’trật tự và ổn định’’, thứ trật tự và ổn định kiểu cộng sản tại Varsovie, Bucarest, tại Sofia, tại Tirana và Belgrade. Rồi các cuộc ‘’tái lập trật tự và ổn định’’ đẫm máu của cộng sản tại Berlin 1953, Hà Nội 1954, Budapest 1956, Lhassa 1959, tại Prague và Huế 1968, rồi Vientiane, Phnom Penh và Sài Gòn 1975. Tiếp theo là cuộc diệt chủng Cam Bốt với Khmers Đỏ !
    (…) Theo Ân Xá Quốc tế, chế độ Việt cộng đứng hàng thứ hai tại Á Châu và hạng tư quốc tế về thành tích hành quyết các tử tội. Những trò hề luật pháp, các vụ bắt bớ bừa bãi và xử án nặng nề các văn thi sĩ, nhà báo, nhạc sĩ, các vị tu sĩ, tín hữu các Giáo hội thầm lặng, độc lập và các nhà tranh đấu cho Nhân Quyền được coi là vô địch trên diễn đàn thế giới.
    (…) Theo Ủy Ban Văn Bút Quốc Tế Bênh vực Nhà Văn bị Cầm Tù, nhiều nhà văn, nhà báo và trí thức đã bị giam cầm vì bị cáo buộc “tuyên truyền, làm gián điệp, gây phương hại cho an ninh quốc gia, lạm dụng các quyền dân chủ hoặc phá rối trật tự công cộng”. Rất quan tâm về tình trạng sức khoẻ suy yếu tồi tệ của nhiều tù nhân và đặc biệt là nhà luật học Lê Chí Quang 33 tuổi bị bệnh thận nặng…
    (…) Theo Tổ chức ‘’Minh Bạch Quốc tế ‘’ (Transparency International), Việt cộng là một chế độ ‘’tham nhũng nặng nề’’, đứng hàng thứ 85 trên 102 quốc gia trong bảng xếp hạng các nước’’. Tại Á Châu chỉ có hai nước Bangladesh và Nam Dương là tranh giành được thành tích này với Việt cộng ! Ít nhứt 35% tiền viện trợ giúp đỡ để phát triển của quốc tế rơi vào túi tham nhũng. Không thể biết bao nhiêu tỉ âu kim Euro hay mỹ kim USD thất thoát mỗi năm. Nhưng ‘’Quốc sách tham nhũng’’ của đảng Việt cộng là một tội ác kinh khiếp đối với nhân dân Việt Nam mà tỷ lệ đói nghèo chiếm từ 37 đến 50% trên tổng số dân. (…).
    Những biến động xảy ra năm 1989 và năm 1991 khai mở cho các dân tộc Đông Âu và Liên Sô cũ nhiều lộ trình để giành lại Tự do và Nhân phẩm. Đứng trước những biến cố lịch sử đó, cộng sản Hà Nội vẫn giữ nguyên chủ nghĩa cực đoan cuồng tín. Chúng tôn thờ Staline và Mao Trạch Đông làm kiểu mẫu. Việt cộng còn lên án gắt gao Công đoàn Solidarność ở Ba Lan. Cho nên, ông Raymond Aron đã lên tiếng tố cáo: “Việt Nam (cộng sản), là sự áp bức đẩm máu đó”. Phát biểu của triết gia Pháp nổi tiếng làm nhớ đến câu nói của cựu bí thư đảng Xã hội Pháp, ông Jacques Huntzinger, đặc trách Quan hệ Quốc tế: “Hà Nội là đảng khắc nghiệt nhứt và áp chế nhứt trong tất cả các đảng Cộng sản”. Và còn nữa, cựu tổng bí thư đảng Cộng sản Ý, ông Enrico Berlinguer đã phê phán (các cựu đồng chí đang thống trị bán đảo Đông dương): “Những người (lãnh đạo) cộng sản Việt Nam là những tên đế quốc bẩn thỉu nhứt trong lịch sử các đế quốc”. Nhân dân Lào và Cam Bốt sẽ làm chứng một ngày một tháng năm nào đó trước tòa án quốc tế xét xử những tội ác của những kẻ cầm đầu đảng Việt cộng, cùng với đàn em, đồng chí Pathet Lào và Khmers đỏ.(…).

    Miền Nam Việt Nam bị bạo quyền Cộng sản tạm chiếm từ bốn mươi năm qua. Gần hai mươi năm sau miền Bắc. Chúng tôi ra đi, biết chắc những người ở lại, và Sài Gòn dung nhan yêu dấu, ngàn năm còn đứng trông. Ra đi, không tìm quên hay bỏ trốn, Đi mở đường cứu lấy quê hương (NHBV). Chúng tôi sẽ trở về quê hương mà chân trời là biên giới mới, nơi chia tay giữa con người và bóng tối, giữa yêu thương và tội ác. Cho nên, ở trong trái tim mỗi người Việt Nam chúng tôi, mỗi ngày là Ngày 30 của Tháng Tư Đen.
    (* Ghi chép từ những cuộc nói chuyện của nhà thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt với các văn thi hữu và bạn đọc tại Hội Chợ Quốc Tế Sách Báo Genève những ngày cuối tháng Tư năm 2015).

    Genève ngày 30 Tháng Tư năm 2015
    Liên Hội Nhân Quyền Việt Nam ở Thụy Sĩ
    Ligue vietnamienne des Droits de l’Homme en Suisse
    Vietnamese League for Human Rights in Switzerland
    ———————————————————————————————————–
    Thơ Nguyên Hoàng Bảo Việt

    Con Đường Chúng Ta Đi

    Ta có ngàn năm xưa dựng nước
    Yêu Quê Hương và Quý Tự Do
    Ta có ngàn năm để đuổi giặc
    Nụ cười tiếng hát cho Tuổi Thơ

    Ra đi làm chứng cho lịch sử
    Ra đi làm chứng cho ngày mai
    Dân tộc hành trình tìm đất hứa
    Hơn bốn ngàn năm mới đến đây
    Đi vẫn còn đi tìm lẽ sống
    Tìm Tự do Nhân Ái Hòa bình
    Hạnh phúc Việt Nam thật giản dị
    Năm ngón tay trên một bàn tay
    Trong thoáng nhìn có chùm hoa nở
    Buồn vui phơi ra ánh mặt trời.
    Cộng sản làm sao mà đổ nát
    Đổ quê hương nát cả tình người
    Khủng bố khoác mỹ từ ‘Giải phóng’
    Tù tập trung hầm tối khổ sai
    Tuổi thơ bỏ học đi moi rác
    Bụi đời mù mịt bóng tương lai
    Đi vẫn còn đi tìm bằng hữu
    Người ác hơn thú gọi ‘quang vinh’
    Dắt dìu nhau băng rừng vượt biển
    Mang theo năm mươi triệu tâm hồn
    Đi vẫn còn đi qua cõi chết
    Bãi mìn giặc cướp đáy vực sâu
    Đi vẫn còn đi vì thế giới
    Nhìn Việt Nam nhớ thân phận mình
    Nhìn Lào Miên biết đâu địa ngục
    ‘Thiên đường đỏ’ đầy hố máu đen.

    Mẹ yêu thương ơi không khóc nữa
    Nước mắt dành cho mùa đoàn viên
    Đau khổ nẩy mầm thành cây lúa
    Các con về vàng chói cánh đồng
    Cờ lau sẽ thay cờ liềm búa
    Vươn lên từng mái ngói nóc tranh
    Vươn lên những phố phường yêu dấu
    Thăng Long Thần Kinh Gia Định Thành
    Vươn lên chóp đỉnh trời xanh biếc
    Niềm hân hoan tiếng chim sổ lồng
    Hoa lan mọc kín mồ tập thể
    Đàn trẻ thơ cười nói huyên thuyên
    Bé chăn trâu ơi ngày trở lại
    Đường quê không còn bóng hận thù.

    Nhớ gương mặt buồn khi Tổ quốc
    Nhìn vết thương trên trán đồng bào
    Chiếc khăn tang phủ từng mái tóc
    Vời trông tưởng chừng mây trắng bay
    Đen tối nào hơn màu tuyệt vọng
    Đêm tháng tư ác mộng kéo dài
    Bạn ngã xuống chờ ta nối tiếp
    Quang phục bình minh của đất trời.
    Đi không tìm quên hay bỏ trốn
    Đi mở đường cứu lấy quê hương
    Ta hẹn gặp nhau ngày lịch sử
    Sống một mùa Xuân, Xuân Việt Nam
    Khắp ba miền vòng tay thân ái
    Cao nguyên xuống đón ngàn khơi về…
    Vững tay lái giữa vùng bão tố
    Nhặt ánh sao để dệt niềm tin
    Tin ở con người và đất nước
    Biết xót thương cũng biết can trường
    Qua tiếng sóng oan hồn nhắc nhở
    Dân tộc hồi sinh có chúng tôi
    Sấm sét bạo tàn không tắt được
    Tiếng hát hò lơ trống ngũ liên

    Đêm đêm thấy tấm lòng kẻ ở
    Thắp sáng Trường Sơn soi biển Đông (1980)

    Nguyên Hoàng Bảo Việt
    Dấu Tích Phượng Hoàng
    L’Empreinte du Phénix
    (Bản tiếng Pháp của bà Hoàng Nguyên)
    Bạn Văn – Paris 2008

  2. Kính gửi ông Nguyễn Thanh Việt,

    Tôi chưa đọc hết bài viết này của ông, chỉ mới đọc hết đoạn đầu. Và đã phải ngưng lại ngay để mong ông giải thích câu ông đã viết và đóng trong ngoặc đơn: ” (vùng này cũng được biết đến là vùng Không Có Tự Do Ngôn Luận) “.

    Mong ông vui lòng giải thích thêm lý do nào đã khiến ông kết luận như thế ?
    Trân trọng chào ông,

    Ng. Tâm Trực

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here