Cảm nhận về tập thơ Sông I Sing của Bảo Phi

Sau  đây là bài đánh giá của Phó Tổng Biên tập Julie Thi Underhill về tập thơ đầu tay Sông I Sing, của tác giả Bảo Phi, được nhà xuất bản Coffee House phát hành tháng 10/ 2011. DiaCritics đã đăng bài phỏng vấn của Kim-An Lieberman với Bảo Phi ngày 7/11/1011, nhân dịp anh ra mắt tập thơ này. For the original English version of this article, click here.

‘Sông I Sing,’ the debut poetry collection by Bao Phi, with cover art by Binh Danh

 

Vina ngoái nhìn kẻ bại trận mặt xanh như tàu lá
Vì luôn là thế, phụ nữ Việt Nam sẽ nói lời sau cùng
và nói rằng
nếu mi còn chưa nhận ra
thì đây hoàn toàn là một
Cuộc đua
và mi đã thua.

“Race” (Chủng tộc) từ cuối cùng trong bài thơ khép lại tập thơ ‘Sông I Sing.’

Với Bảo Phi, thơ nói là một phương tiện thi ca tuyệt vời. Lối câu cầu khiến đã cho phép cái phong cách khẳng khái và tính hóm hỉnh của người nghệ sĩ này được tha hồ vùng vẫy và giúp vần thơ đi đến gần với đọc giả hơn bao giờ hết. Khi đã tận mắt chiêm ngưỡng sự tài hoa của người nghệ sĩ này, bạn mới hiểu tại sao từ lúc 15 tuổi anh đã là một nhà biểu diễn thơ (ngâm thơ) và nghệ sĩ thơ nói được chào đón nồng nhiệt ở nhiều câu lạc bộ thơ ca và liên tục đạt giải thưởng trong các hội thi Nuyorican, Minnesota Grand Slam (Hội thơ Minnesota), và Macalester Cultural House Poetry Slam (Hội thơ của Nhà Văn hóa đại học Macalester). Năm 2003, Bảo Phi xuất hiện trong chương trình Def Poetry của đài HBO, biểu diễn bài thơ You Bring Out the Vietnamese in Me (Em làm sống dậy hồn Việt trong tôi) – một bức thư tình cho nền văn hóa và di sản Việt Nam (lúc ấy anh khoác trên mình chiếc áo mang dòng chữ “Vietnamese Phở Ever” (Phở Việt Nam muôn năm)). Tôi đã hai lần làm khán giả của Bảo Phi tại San Francisco: lần đầu vào năm 2008 tại Fort Mason trong sự kiện San Francisco Vietnamese Poetry Festival of the Diaspora (Liên hoan Thơ của cộng động kiều bào tại San Francisco) do DVAN tổ chức, và lần thứ hai vào năm 2011 tại đại học Quốc Gia San Francisco trong Hội thảo Re-SEAing Southeast Asian American Studies (Nghiên cứu phục hồi bản sắc cho các cộng đồng Đông Nam Á tại Mỹ) – trước đó cộng tác viên Valerie Soe đã viết bài bình luận về buổi trình diễn này. Cả hai lần nghe Bảo Phi biểu diễn thơ, tôi đều cảm thấy rất ấn tượng về lòng chính trực, sức mãnh liệt và sự hùng hồn trong tứ thơ cũng như cách trình diễn của anh. Những ngôn từ trong thơ của anh luôn đẹp đẽ, sắc sảo với âm điệu hài hòa. Dù đọc thơ của anh trên giấy thì ta vẫn có thể cảm nhận được sự gần gũi, nhịp nhàng, lẫn cách ngắt hơi ngắt nhịp mà tác giả gửi gắm vào đấy. Thơ của anh thường chứa đầy những vết sẹo thương đau nhưng ẩn sâu bên trong lại là một tình yêu bất diệt dành cho quê hương. Bài thơ The Nguyễns (Anh em họ Nguyễn) là một bài thơ như thế. Bài thơ này đã để lại ấn tượng khó phai đối với những thính giả từng có mặt tại Fort Mason vào năm 2011. Cả khán phòng vỡ òa lên những tiếng cười thích thú khi nghe đến đoạn miêu tả nhân vật Nguyễn Việt trong bài thơ, một người “cực kỳ đậm chất Việt Nam”, đến mức cô ấy chỉ hẹn hò với người Việt Nam và là một người lưỡng giới “để cô ấy có thể yêu một người Việt Nam bất kể giới tính”?! Quả thật đây là một sự chung thủy đáng ngưỡng mộ lắm thay, Nguyễn Việt à! (Các bạn nhớ đừng nhầm lẫn nhân vật này với Tổng biên tập Nguyễn Việt của diaCRITICS đấy nhé.)

Tập thơ đầu tay được mong đợi từ lâu này của Bảo Phi đã mang luồng gió thơ trở lại với những ai chẳng mảy may quan tâm đến nền văn hóa Việt – Mỹ. Mặc dù tập thơ được đề tặng chung cho “đồng bào người Mỹ gốc Á của tôi”, mà rõ ràng là anh nói đến những mối bận tâm của cả cộng đồng người Mỹ gốc Á, nhưng lời hai ý của từ đầu tiên trong tựa đề lại như đang bật lên tiếng gào to với cộng đồng người Việt, vì sông nghĩa là dòng sông trong tiếng Việt. Trong bài thơ “You Bring Out the Vietnamese in Me” (Em làm sống dậy hồn Việt trong tôi), nhà thơ đã sử dụng hình ảnh hai con sông lớn của quê hương là Sông Hương và Sông Mê Kông để nhắc nhở chúng ta rằng tập thơ này là sự kết nối cái quá khứ ‘ở đàng kia’ của người tị nạn với cái hiện tại ‘ở đàng này’ – cái hiện thực đồng hiện ‘ở trong nội tại’. Như nhà văn William Faulkner từng nói: “Quá khứ không chết đi. Thậm chí nó không hề qua đi.” Sự trải nghiệm này hoàn toàn phù hợp với cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Trong “For Us” (Dành Cho Chúng Ta), bài thơ khai tập của “Sông I Sing”, Bảo Phi viết:

Dành tặng cho những ai có gia đình ba chìm bảy nổi
Lúc những người đàn ông, đàn bà còn mãi nghĩ suy về nỗi buồn chiến tranh
Thì đã qua rồi những vết sẹo kẽm gai
Dành cho những ai với quê hương nhuốm màu khói lửa và máu đổ xương tan
Những ánh đạn chói lòa xé nát cánh đồng xanh
Trái tim ai đồng hình đồng dáng
như nấm mồ chôn cất mọi người thân

Chỉ một đoạn thơ giàu tính liên tưởng này thôi cũng đã đủ khơi gợi vô vàn cảm xúc trong lòng những người có gia đình bị li tán vì chiến tranh, những người chịu nỗi đau mất đi người thân hay một phần thân thể. Chúng ta đang trong vòng tay của gia đình nhưng chúng ta vẫn có thể thấu cảm khi nghe Bảo Phi kể về đồng bào mình, “những người đàn ông và đàn bà  còn mãi nghĩ suy về nỗi buồn chiến tranh”. Chúng ta xích lại gần hơn để lắng nghe lời an ủi và xoa dịu của anh, cảm nhận của anh về công lý, khoảng lặng vỡ òa ra của anh và sự bộc bạch của anh về những điều không sao thốt ra thành lời. Lời thơ.

Bảo Phi, hình do Charissa Uemura chụp

Bảo Phi sinh ra trong một gia đình quân nhân ờ Sài Gòn vào năm 1975, chỉ vài tháng trước khi thành phố này đổi chủ. Tháng tư năm 1975, gia đình anh hòa vào dòng người tị nạn đầu tiên rời khỏi quê hương, di dân đến bang Minesota của Mỹ. Từ thuở thiếu thời, Bảo Phi đã sống và lớn lên ở Hoa Kỳ, trong khu phố Phillip, nơi hỗn tạp và nghèo nàn nhất của vùng Minneapolis St. Paul. Đối với Bảo Phi, cuộc sống của kiều bào Mỹ là những chuỗi ngày trĩu nặng với các công việc thu nhập bấp bênh, bị phân biệt đối xử, bị cảnh sát hành hung, và bị những đứa trẻ bản xứ xấu tính xấu nết trêu chọc. Giữa những đan xen bức bối về chủng tộc, giai cấp và giới tính, ta tìm thấy trong tác phẩm của Bảo Phi một sự ám ảnh về cái mà anh gọi là “bóng ma của sắc trắng danh dự”. Tác phẩm của anh mau chóng đưa ta đến với sự đồng hóa của người Châu Á đang khao khát được là một phần của “khối thịt trắng” kia. Tác phẩm này ngược hẳn với sự thờ ơ chính trị vốn tồn tại trong cộng đồng người Mỹ gốc Á. Cứ thế, Bảo Phi hướng người đọc vào những khó khăn, những căng thẳng và thống khổ mà một chàng trai châu Á, da vàng, gốc Việt đã chịu đựng khi sống ở vùng Trung Tây của xứ sở Cờ Hoa này. Năm 2005, Bảo Phi chia sẻ với Elaine Chen: “Nạn phân biệt chủng tộc và sự kì thị hiển hiện ở khắp nơi. Nó tác động lên mọi mặt trong cuộc sống của chúng ta lẫn cuộc sống của những người mà ta yêu thương. Thế nên tôi đã vấp phài sự phân biệt chủng tộc từ ngày đầu tiên đặt chân đến đây, nhưng lúc đấy tôi chưa biết miêu tả nó ra sao và gọi nó là gì. Một số đứa trẻ khác đã gọi tôi là ‘thằng da màu”. Dù lúc đấy tôi không hiểu hết ý của chúng nhưng tôi biết đó là một từ lăng mạ và ác độc.

Gia đình Bảo Phi trong thập niên 70
Gia đình Bảo Phi ở Minnesota

Dần dần, Bảo Phi đã biết cách lột tả hết sức dữ dội nỗi đau đớn do từ ấy gây ra và ý nghĩa của nó. Trong bài thơ mở đầu của tập thơ “For Us” (tạm dịch “Dành cho Chúng Ta”), nhà thơ đã kêu gọi không những đồng bào Việt Kiều và những cộng đồng “da màu” khác mà cả những cộng đồng mang biệt danh khác, và nguyền rủa đến tận cùng sự tồi tệ của nạn kỳ thị.

Dành cho các anh, người Ba Tàu, Viễn Đông, Châu Á, Mỹ Đông Dương,
Phụ nữ, đàn ông, người đồng tính, kẻ bần cùng, sinh viên, người da màu, mắt hí,
Người Ấn ăn thịt chó, người Á Đông ẻo lả.

Xuyên suốt tập thơ của Bảo Phi, anh còn điểm mặt những người đã buông ra lời cay độc – gồm cả Thượng Nghị Sĩ McCain, Gwen Stefani, hội sinh viên Delta Tau Delta của đại học Gainesville, viên cảnh sát Jason Anderson ở Minneapolis, và cả Chavis Johnson. Tất cả được nhắc đến vì những hành vi bạo lực và kì thị. Đầu năm nay ở San Francisco, tôi đã được nghe bài thơ hết sức xúc động của bảo Phi, bài thơ 8 (9). Bài thơ này là lời oán thán trước kẻ giết người nhưng trắng án khi gây ra cái chết của chàng thanh niên gốc H’mông, Fong Lee vào năm 2006. Lee đã bị các cảnh sát Minneapolis giết chết bằng 8 phát súng.

Bồi thẩm đoàn toàn dân da trắng phán rằng sĩ quan Anderson
không phạm tội dùng vũ lục quá mức
Hãy bịt mắt tôi lại
Hãy hỏi tôi bạn sợ ai
Thì tôi sẽ đáp rằng
màu da của bạn

8 (9) là một bài văn tế, một tiếng chuông thức tỉnh cho những người chưa biết gì về vụ án, và là một minh chứng về  sự bạo tàn đối với cái chết của Fong Lee – sự “trùng hợp ngẫu nhiên” mà một thanh niên đang độ 19 tuổi, con cái của những kẻ xin tị nạn chiến tranh đến từ Đông Nam Á bị cảnh sát bắn chết ở chính cái ‘đất nước cho tị nạn”, rồi sau đó họ lại dựng nên bằng chứng giả và buộc tội cậu ta là thành viên của một băng đảng. Bảo Phi bức xúc: “Từ trong lòng mẹ, từ trong vòng tay đấng sinh thành / Chúng ta đã trốn chạy / Bị rượt đuổi bởi những kẻ cầm súng.”. Bảo Phi thấy mình vô cùng giống Lee, khi nhận ra rằng mạng sống của mình cũng có nguy cơ bị tước đoạt dễ dàng như Lee. Năm 2009, Bảo Phi viết “Anh ấy cũng là một người con, người anh trong gia đình. Anh ấy giống như tôi, giống như bất cứ ai trong chúng ta, những con người bất hạnh vốn không còn xa lạ gì với các vấn nạn bạo lực, kì thị chủng tộc, với sự đàn áp của cảnh sát, và với những bất công thâm căn cố đế ở nơi đây – những thứ xé tan gia đình và cộng đồng của chúng ta.” Trong bài thơ 8 (9), từ “thành viên băng đảng” được Bảo Phi liên tục lặp lại để nhấn mạnh sự bất an vì nó gợi lại những lời nói dối quanh co mà sở cảnh sát Minneapolis đã thêu dệt nên để thuyết phục mọi người và bồi thẩm đoàn rằng Fong Lee không đáng để được bảo vệ như thế – vì cậu ta chỉ là một “thành viên băng đảng.” Đầu năm trước, Valerie Soe từng nhận xét “Bài thơ này đã lột tả được sự trớ trêu về tình cảnh của  những người Mỹ gốc H’mong trốn chạy khỏi sự ngược đãi ở quê hương của mình để rồi lại rơi vào nạn bạo lực và kì thị còn khủng khiếp hơn trên cái đất Mỹ này đây.”

Với những lời lẽ bóc trần sự thật, Bảo Phi đã lên án sự ngược đãi của chính quyền đối với  cộng đồng người Mỹ gốc Á qua sự bóp méo trắng trợn về họ. Bài thơ Reverse Racism (Nạn phân biệt chủng tộc ngược) đã tái hiện lại lịch sử của cộng đồng Mỹ gốc Á với những thiệt thòi về pháp lý mà họ gánh chịu. Bài thơ đã thành công đến mức những gì nó gợi lên cũng đủ để bạn đưa ra cả một khóa học. Bảo Phi thường hay thắc mắc tại sao nạn phân biệt chủng tộc ở Mỹ lại có thể được coi là hiển nhiên theo một chiều hướng nào đó. Khi bị đẩy ngã xuống cầu thang và bị gọi là “thằng da màu”, một nhân vật của Bảo Phi có tên Nguyễn Vu đã hỏi Chavis Johnson, một cậu học sinh lớp chín chuyên bắt nạt người khác: “Tại sao thế giới luôn chấp nhận lòng căm ghét của các người/ còn của tôi thì không?” Tuy vậy, đừng nên nghĩ rằng tập thơ đầu tay của Bảo Phi chỉ chứa toàn những câu chuyện nghiệt ngã về người Châu Á bị giày vò ở Mỹ. Nhẹ nhàng nhưng mãnh liệt, thơ của Bảo Phi cuồn cuộn cả tình yêu, mối liên kết, lẫn sự kháng cự ngoan cường. Nhà thơ không chỉ đề cập đếp các hiểm họa khách quan đối với cộng đồng mà còn nêu ra sự chia rẽ đang hiện hữu trong nội bộ. Trong bài thơ “Everyday People” (tạm dịch “Thường Dân”), hai chàng trai cùng họ Nguyễn, một nhân viên hoạt động xã hội và một giám đốc ngân hàng đầu tư, mãi không thể tìm thấy tiếng nói chung vì họ đã mắc kẹt trong chính định kiến của bản thân, như “hai còn tàu thủng / xoay trở để không chìm / cố bấu chặt / vào những gì họ biết được mà thôi.”

Can đảm đề cập đến những chia rẽ nội bộ, Bảo Phi không ngại ngần nêu ra những vấn đề được coi là cấm kỵ trong cộng đồng Việt kiều khi nhắc đến những người có quan điểm chính trị cấp tiến,  chuyển giới, đồng tính, và bị ruồng bỏ. Sự thật đáng buồn là những đối tượng này thường bị gạt bỏ đi trong hầu hết các loại hình văn hóa của người Mỹ gốc Việt. Ấy vậy mà Bảo Phi lại khơi ra sự thiếu vắng này một cách hiển ngôn. Tháng 5/2011, nhà phê bình Jade Hidle của diaCRITICS bình luận, “Bài thơ của Bảo Phi kêu gọi nhiều thành phần xã hội hãy cùng lên tiếng trước mối bất hòa trong cộng đồng người Mỹ gốc Việt. Điều này đặc biệt quan trọng khi chúng ta vẫn còn tiếp tục bị quy kết là người tị nạn, hay  nhóm “thiểu số điển hình” và rồi các tác phẩm nghệ thuật của chúng ta cứ vẫn phải gắn liền với nỗi buồn của chiến tranh, hay “Trãi nghiệm của người Mỹ  gốc Việt””. Trong Sông I Sing, bài thơ được mọi người yêu thích The Nguyễns đã thể hiện một loạt các biến thể của cái gọi là sự thuần Việt, khẳng định rằng “Họ chính là câu chuyện dành cho mọi người Việt.” Ở phần nội dung của  tác phẩm, Bảo Phi phản đối những định kiến đối với chủ nghĩa cấp tiến, sự đồng tính, và sự lập dị, những thứ khiến cho nhiều người Mỹ gốc Việt bị gạt ra bên lề của gia đình và xã hội. Trên vai họ trĩu nặng ba tầng kì vọng – của gia đình, cộng đồng, và xã hội – chúng đan xen và ép buộc họ phải quy thuận, phải hòa nhập. Tuy nhiên, chúng ta phải dựa vào đâu để quyết định chấp nhận một người trong cộng đồng của mình và chúng ta phải làm gì với những người làm trái các quy tắc ứng xử và tín ngưỡng vốn được hằng định? Bảo Phi đã đưa ra một cái nhìn châm biếm và dí dỏm trước những tiêu chuẩn và điều kiện quyết định việc đón nhận hay xa lánh một con người, qua đó thể hiện sự quan tâm sâu sắc dành cho những con người lâu nay cứ bị gạt ra một cách không thương tiếc.

Trong đoạn thơ kết ở trang cuối, Bảo Phi đã cho những kẻ thua thiệt trong thơ của mình có được những khả năng thay hình đổi dạng siêu phàm. Chẳng hạn, qua lời bài Prince (“Tôi đã quá nhàm với những thứ này rồi”), nhân vật Quince Nguyễn đã dõng dạc đáp trả lại mỗi khi nghe lời chọc ghẹo “SAO, MÀY LÀ MỘT THẰNG BÓNG LẠI CÁI HAY SAO?” Bảo Phi không giấu giếm sự ngưỡng mộ trước triết lí “Không trả lời là cách trả lời thiền định nhất” của Quince. Nghe hay hơn so với “không hỏi không nói”, đúng không nào? Trong bài thơ “Prince Among Men” (tạm dịch – “Nhân Trung Chi Long”) xoay quanh nhân vật Quince, đoạn thơ cuối là cách chơi chữ với tiêu đề của tập thơ và hành động thách thức của lời nói (ở dạng một bài hát)-

khi ai đó  bịt tai lại không lắng nghe anh
Anh hãy cứ sống thật sôi động
Khi cảm thấy không ai trên đời
cho anh được quyền sống
bằng chính tiếng nói của anh
thì hãy cứ hát vang anh nhé.

Sông I Sing là lời kêu gọi hùng hồn, đòi hỏi quyền được chia sẻ quan điểm và trải nghiệm cho mọi cá nhân, bất chấp mọi sự rối rắm, khiếm khuyết, hay chắp vá. Những buổi trình diễn ấn tượng  của Bảo Phi và tập thơ đầu tay của anh đã đưa đẩy ta đến một vùng đất vừa lạ vừa quen. Tất cả những tâm huyết của nhà thơ đặt vào vị thế của người cấp tiến chống lại nạn phân biệt chủng tộc, chống kì thị đồng tính, và chống phân biệt giới tính, đã gợi nên một sự đồng cảm mãnh liệt nơi tôi, một đứa con gái thế hệ thứ 2 có khuynh hướng đạo đức và ý thức hệ hết sức khác biệt so với đại đa số thành viên trong gia đình mình. Lớn lên trong sự cô lập của miền Trung Tây Hoa Kỳ, phải mất rất nhiều năm tôi mới có thể gặp những người Mỹ gốc Việt có cùng quan điểm, và vì vậy, tôi thấy rằng mình rất gần với họ. Đây là cách tôi cảm nhận về cuốn sách  Sông I Sing này và tác giả của nó. Hơn thế nữa, tập thơ đa chiều này còn ẩn chứa một điều gì đó rất đặc trưng của thế hệ 1.5 và thế hệ thứ 2, một quan điểm có khả năng thì thầm những lời bí ẩn vào tai tôi, đứa con trong một gia đình tị nạn được sinh ra cùng thế hệ với Bảo Phi. Dù sinh sau đẻ muộn hơn Bảo Phi một tuổi, tôi cũng hấp thụ nền văn hóa Mỹ trong một vùng khác ở Trung Tây Hoa Kỳ. Dù tôi sinh trưởng ở vùng ngoại ô Houston và Tulsa trong khi Bảo Phi lớn lên ở trung tâm St. Paul của Minneapolis, cả hai chúng tôi đều nếm trải một cái gọi là Americana (Mỹ Canada) vốn đã định hình nên cái cộng đồng ở đó chúng tôi hình dung được những đứa trẻ hay thanh niên Mỹ trong những thập niên 80 và đầu 90. Chúng tôi biết đến Prince, Depeche Mode, Dungeons & Dragons, Robert Smith, Aqua Net, George Michael, Public Enemy, Nintendo, De La Soul, và Star Wars. Khi đọc Sông I Sing, tôi cảm thấy quen thuộc và gần gũi với những hình ảnh đến từ quá khứ mỗi khi chúng xuất hiện bên cạnh những kí ức ở bên kia rằn lanh – “Bức ảnh gia đình ép thật chặt trên ngực / Khi phần còn lại của thế giới chìm trong lửa”- các những ký ức về chiến tranh và đau buồn, về một xã hội kì thị, và những mâu thuẫn khó chịu giữa sự đón nhận và sự xa lánh ngay trong chính cộng đồng người Việt ở Mỹ.

Người dịch:

Nguyễn Thị Như Ngọc, Thạc sĩ, Trưởng bộ môn Biên – Phiên dịch, Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐHKHXH-NV, ĐHQG, TPHCM. Nghiên cứu sinh chuyên ngành Ngôn ngữ học so sánh – đối chiếu.

Lê Thanh Tuấn, Giảng viên thỉnh giảng, Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐHKHXH-NV, ĐHQG, TPHCM.

Bảo Phi, hình do Charissa Uemura chụp

Julie Thi Underhill là một nghệ sĩ, nhiếp ảnh gia, đạo diễn, nhà văn, nhà sử học và nghiên cứu sinh ngành Chủng tộc học tại Đại học Berkeley. Chuyên ngành của cô là Nghiên cứu văn hóa Chăm, nghiên cứu văn hóa người di dân, điện ảnh Mỹ Á, lịch sử Mỹ Á, và nữ quyền xuyên quốc gia. Cô hiện đang là Phó Tổng biên tập của diaCRITICS. Bài viết gần nhất của cô về văn học Mỹ Á là bài phỏng vấn gồm hai phần với nhân vật chính là nhà văn người Mỹ gốc Việt Trần Vũ, một người bạn từ thuở thiếu thời.

Hai lần đoạt giải cao nhất của cuộc thi Minnesota Grand Slam và lọt vào top 6 của cuộc thi quốc gia National Poetry Slam, Bảo Phi đã được mời tham gia chường trình Def Poetry của Russell Simmons trên đài HBO. Bài thơ “Race” (Chủng tộc) của anh từng có mặt trong hợp tuyển các bài thơ hay nhất Hoa Kỳ năm 2006. Các bài thơ và bài viết của anh đã được xuất bản trên nhiều tạp chí như Screaming Monkeys và Spoken Word Revolution Redux. Ngoài ra, các tác phẩm của anh còn được xuất bản ra CD, tiêu biểu là CD Refugeography được bán rất chạy và tác phẩm mới nhất là The Nguyens EP. Bảo Phi còn là thính giả tiêu biểu xuất hiện trong bộ phim tài liệu đạt nhiều giải thưởng The Listening Project. Bên cạnh những tác phẩm đầy sáng tạo, anh còn được đề cử làm Đại Sứ Bình đẳng Chủng tộc vì những đóng góp đối với xã hội thông qua các bài viết về các đề tài người châu Á trong nhạc hip hop đến hình tượng châu Á trong các trò chơi điện tử. Gần đây, bài thơ “No Question” (“Vô Vấn”) của anh đã được Ash Hsie chuyển thể thành phim ngắn cho liên hoan Asian American Literary Review. Bảo Phi hiện đang là chủ bút một trang blog của tờ Star Tribune. Tập thơ đầu tay của anh, Sông I Sing, có thể được đặt mua tại Coffee House Press. Bảo Phi đang sinh sống ở Minneapolis, Minnesota, và làm việc tại Loft Literary Center.

__________________________________________________________

Bn có thích đc diaCRITICS không? Nếu có thì xin mờđăng ký nhn bài đây.

Vui lòng bỏ chút thời gian chia sẻ bài này. Chia sẻ (qua email, Facebook, v.v.) giúp quảng bá diaCRITICS. Mời bạn tham gia vào câu chuyện và để lại lời bàn. Do you think there are events that truly unite Vietnamese people everywhere? Chúng ta nên đọc sách của ai? Chúng ta cần nhìn thấy những gì? Trong cộng đồng Việt-Mỹ người ta bỏ sót những gì nữa trong câu chuyện của họ?

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here