Ra Mắt Loạt Bài Văn Chương VƯỢT THOÁT VÙNG RÌA: Những Bài Thơ Mới Của Bảo Phi

Chuyên mục Vượt Thoát Vùng Rìa ra mắt bằng những bài thơ mới của một trong những tác giả yêu thích nhất của chúng tôi, Bảo Phi, một nhà thơ nói, một nghệ sĩ nổi tiếng đồng thời là tác giả của tập thơ Sông I Sing (Nhà xuất bản Coffee House). Chúng tôi hân hạnh giới thiệu những bài thơ mới của nhà hoạt động xuất thân từ cộng đồng người tị nạn và điểm sáng văn chương này.

For the original article in English, click here.

Những đốm sáng

Một tay cầm nhỏ với những sợi quang học ngoe nguẩy như những con rắn trên đầu của nữ thần Medusa. Chỉ cần ấn một chiếc nút và rồi những đốm màu nhỏ xíu trên đầu những sợi dây trong sẽ vụt sáng lên. Sau hôm Gánh xiếc Shrine trình diễn, tất cả bọn trẻ trong lớp của tôi đều có chúng trong tay và vẫy vẫy. Cha tôi hỏi tôi rằng ông đã bao giờ thất hứa chưa và tôi đã không nói gì, biết chắc rằng ông không đưa tôi đi xem xiếc, không phải vì ông không giữ lời hứa mà là vì ông không có tiền. Gần ba mươi năm sau, tôi và con gái đi xem xiếc. Lần đầu tiên cho cả hai chúng tôi. Con tôi nắm tay tôi và muốn chạy băng qua các khu lâu đài nhún, vẽ mặt, cưỡi ngựa lùn, tất cả những trò mà con bé yêu thích và đều phải mất tiền. Ngồi trên ghế một mình chỉ có hai cha con và chờ đợi, tôi hỏi con bé tại sao lại không đi đến chỗ mà mọi người ở đó. Vì con không biết liệu ba có đủ tiền để trả hay không, con bé thầm thì rồi tựa đầu vào ngực tôi, và tôi mừng là  con bé không nhìn thấy mặt mình. Sau đó, sau khi những diễn viên xiếc phương Đông được giới thiệu và tung người xoay tròn trên không trung, những người điều hành rạp xiếc liền tắt hết đèn, và qua loa phóng thanh, một thằng khốn nào đó sẽ bảo toàn bộ lũ trẻ giơ những cây đũa bươm bướm tỏa sáng, những thanh gươm ánh sáng và những khẩu súng lục la-de rực rỡ của mình lên không trung và vẫy chúng đầy tự hào, phô trương chúng, và hết lần này đến lần khác nhắc chúng tôi rằng nếu như chúng tôi muốn, thật sự, thật sự muốn một món như vậy, chúng tôi có thể mua chúng từ những gã giữ những chiếc túi khổng lồ đang lượn lên lượn xuống những lối đi giữa các hàng ghế như những ông già Nô-en làm thuê. Những món đồ chơi thắp sáng đong đưa, soi sáng gương mặt của con gái tôi giữa những vệt sáng trong khi con bé chăm chăm nhìn qua một biển những vật lấp lánh, một ngàn lời hứa lung linh chưa bao giờ bị đòi hỏi, một ngàn bảng hiệu đèn nê-ông nhấp nháy cho con bé biết những gì mà nó không có.

Poet's Statement: "For most of my writing life, I didn't write much about my past or personal life. That changed once I became a father. It's theorized that trauma is passed down, and since Vietnamese history (much less Vietnamese American history) is not taught or valued or readily accessible in America, I worry if something were to happen to me, how would my daughter have access to this side of her history. I was lucky in that I had parents who told me stories about Vietnam and their experiences when I was growing up. I hope to create poems to create a sort of map for her, and any other people who would find such work helpful."
Tuyên ngôn của nhà thơ: “Trong phần lớn cuộc đời viết lách của mình, tôi không viết nhiều về quá khứ và đời tư. Điều đó đã thay đổi từ khi tôi trở thành một người cha. Người ta lý luận rằng chấn thương tâm lý được lưu truyền, và vì lịch sử Việt Nam (lịch sử người Mỹ gốc Việt còn tệ hơn) không được dạy hoặc coi trọng, hay dễ dàng tiếp cận ở Mỹ, tôi lo lắng chẳng may có chuyện gì xảy ra cho tôi thì làm sao con gái tôi có thể tiếp cận với phần Việt Nam trong lịch sử của nó. Tôi may mắn có cha mẹ kể cho mình nghe những câu chuyện về Việt Nam và những trải nghiệm của họ khi tôi đang trưởng thành. Tôi hy vọng viết nên những bài thơ để tạo ra một loại bản đồ cho con, và cho bất kỳ ai thấy công việc đó là hữu dụng”. – (Bảo Phi, ảnh của Anna Min)

Khi Con Gái Tôi Kêu Cha Kiểm Tra Và Đảm Bảo Rằng Lũ Phân Biệt Chủng Tộc Không Thể Vào Nhà Và Giết Chúng Tôi

Mọi người
tranh luận/thú nhận
về đặc ân
cho đến khi
tiếng vọng
trở thành
một thứ tiếng ồn ầm ĩ.

Đàm luận là điều tốt,
Tôi cho là vậy,
nhưng
đó không phải là điều
muốn nói ở đây.

Người theo chủ nghĩa Mác và Macbook.
Người theo chủ nghĩa thực dân với Powerbook.
Người chống phân biệt chủng tộc và Iphone.
Người theo đảng Cộng hòa và chuỗi nhà hàng pizza.

Các người có ai nhấn “like” điều tôi đã nói
về những người Á châu đâu.

Chẳng có đủ mặt các người
ở buổi diễu hành.

Các người-
Không ai trong các người-
Không ai trong các người-
Không ai trong các người-
đã ở đó
để _________.

So sánh chuyện đàn áp theo kích cỡ con cu.
Ta cãi nhau trên internet trong khi con trẻ van nài ta khóa hết các cửa sổ và cửa ra vào.

Bác sĩ chuyên khoa 4

Một dòng sông, khi muốn lao mình xuống dốc
sẽ tạo ra những nhánh sông mới,
cuốn phăng đi nhà cửa,
làm ngập lụt những rễ cây.
Vị bác sĩ chuyên khoa bảo anh rằng tâm trí anh, đã sưng phồng với số mệnh,
sẽ cuốn anh đi trong dòng nước trắng của nó
những dòng nước lũ xé toạc
cả đá và rễ cây.

Tôi chẳng biết tình yêu kéo tôi đi hướng nào.
Nhưng tôi biết rõ cái cảm giác cơ trong ngực anh đang căng phồng
vì nỗi sợ chết đuối.

Ở Minnehaha, một cặp đôi người Đông Nam Á trẻ tuổi đã nhờ tôi
chụp ảnh giùm cho họ.
Người Campuchia, Lào, Thái, hay Việt.
Cậu ấy xăm trổ đầy mình và trông như những gã
đã có thể hùng hổ với  tôi chỉ vì dám thở ra,
hồi xưa.
Cô ấy có mái tóc nhuộm,
trông như những cô nàng đã làm ngơ tôi
như một đứa phản bội nguồn cội bé nhỏ nhợt nhạt và buồn tẻ hồi xưa.
Họ là cặp đôi đẹp nhất trong công viên.
Nếu điều đó nghe có vẻ như tôi đang giả định về họ và chính mình,
thì thật tình là tôi đang làm như vậy,
và điều đó không ổn chút nào
chỉ vì tôi cũng là người châu Á.

Họ thích bức ảnh tôi chụp cho.
Suối và những dòng thác nước lên đầy nhờ những cơn mưa.
Cũng những cơn mưa làm ngập tràn những tầng hầm, nhấn chìm con phố,
làm đắm chìm những băng ghế công viên nằm quá gần bên hồ.

Mỗi giọt mưa chẳng thèm quan tâm
xem liệu nó có phải là giọt đã thấm vào
hay là giọt nằm trên hết gây nên lũ lụt.
Chúng chỉ ném mình lên nhau
cho đến khi chúng lớn hơn chính mình
khi chúng còn riêng rẽ.

Người dịch: Hà Quang Hiếu, Thạc sĩ, Giáo viên  tiếng Anh. Cựu sinh viên Khoa Ngữ văn Anh, Trường ĐHKHXH-NV, ĐHQG, TPHCM.

img039
Bảo Phi lúc còn nhỏ làm việc cùng mẹ ở một cửa hàng vải trong thập niên 80.

Bảo Phi nhiều lần là quán quân của cuộc thi thơ Minnesota Grand Slam và lọt vào chung kết cuộc thi thơ quốc gia National Poetry Slam. Anh đã xuất hiện trong chương trình Russell Simmons Giới Thiệu Def Poetry của đài HBO. Tác phẩm của anh từng có mặt trong hợp tuyển Các Bài Thơ Hay Nhất Hoa Kỳ năm 2006. Anh từng đi lưu diễn như một nghệ sĩ tiêu biểu tại hàng trăm địa điểm trên khắp đất nước từ năm 1999, kể cả show diễn tạp kỹ bom tấn của cộng đồng người Việt ở nước ngoài Paris By Night. Anh đã được vinh danh là Nghệ Sĩ Của Năm trên các tờ City Pages, Star Tribune, và Urban Griots. Quyển sách đầu tay của anh, Sông I Sing (nhà xuất bản Coffee House), bán rất chạy và được giảng dạy trong nhiều lớp học trên khắp Hoa Kỳ cũng như nhận được nhiều bài bình luận ca ngợi trên các mặt báo, bao gồm cả tờ New York Times. Tờ này nhận định: “Trong bài hát về cái tôi rất Mỹ này của mình, mỗi bài thơ Bảo Phi viết ra đều vần với hiện thực”. Anh hiện là Giám đốc Chương trình của Trung tâm Văn học Loft.

Bài viết này là một phần trong loạt bài Văn Chương Của Người Mỹ Gốc Việt VƯỢT THOÁT VÙNG RÌA của diaCRITICS, ra mắt trong năm 2015-16. Loạt bài này giới thiệu những tác phẩm văn học từ các nhà thơ, nhà văn và nghệ sĩ người Việt tại hải ngoại và người Mỹ gốc Việt. Sứ mệnh của chúng tôi là tạo ra một không gian bao quát, đa dạng, khiêu khích và liên tục cho những tiếng nói và tầm nhìn từ cộng đồng này, và như vậy mang chúng vượt thoát vùng rìa. Dao Strom là giám tuyển và biên tập viên của loạt bài này.


Bn có thích đc diaCRITICS không? Nếu có thì xin mời đăng ký nhn bài đây.

Vui lòng bỏ chút thời gian chia sẻ bài này. Chia sẻ (qua email, Facebook, v.v.) giúp quảng bá diaCRITICS. Mời bạn tham gia vào câu chuyện và để lại lời bàn.

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here