Bài Ngợi Ca Nguyễn Ngọc Loan, Viết Bởi Một Người Mỹ Gốc Việt (Phần 1)

Nhân kỷ niệm bốn mươi năm ngày “Sài Gòn sụp đổ,” ZM Quỳnh viết một lời ngợi ca dành cho Nguyễn Ngọc Loan. Trong loạt bài gồm hai phần này, Quỳnh đặt ra những câu hỏi then chốt: Có phải những anh hùng của chúng ta đã bị phủ nhận? Có phải lịch sử đã được nhồi nhét cho chúng ta chỉ với một nửa những sự thật, bị bóp méo để phục vụ một kế hoạch nào đó mà khi đó chúng ta đã quá trẻ để có thể hiểu, và bây giờ đã quá già để còn nhớ? Hoặc quan tâm?

For the original article in English, click here.

MetaEulogy

Bạn có thể không nhận ra ông. Đa phần bạn đã nhìn thấy ông từ phía sau lưng, mặt nghiêng một bên, cánh tay duỗi thẳng, khẩu súng lục trong tay, một viên đạn bay trong không trung, một người đàn ông bị hành quyết. Ngày 30 tháng 4 đang đến gần, lễ kỷ niệm “Sự sụp đổ của Sài Gòn” sẽ lại được hộ tống bằng một chuỗi những hình ảnh, phóng sự, và bình luận thời sự thường lệ của nó. Đâu đó, một người nào đó sẽ phát lại hoặc đăng tải lại tấm hình “Hành quyết ở Sài Gòn” và bạn sẽ lại thấy tấm hình đó không biết là lần thứ bao nhiêu trong cuộc đời. Với nhiều người trong số chúng ta, tấm hình này có thể chỉ là cách người ta gợi cho chúng ta nhớ lại về cuộc chiến tranh Việt Nam mỗi năm.

Untitled

Khi tôi bắt đầu viết lời ngợi ca này[1], tôi đã vật lộn để tìm một tiêu đề.  Lựa chọn đầu tiên của tôi là: “Nguyễn Ngọc Loan: Phục hồi tên tuổi một anh hùng.” Nhưng, dù rằng ông có thể là anh hùng của cha mẹ bạn, ông chắc hẳn không phải là anh hùng của bạn . Nên tôi đã nghĩ tôi có thể chọn: “Nguyễn Ngọc Loan – Tại sao tôi nên quan tâm?” Nhưng điều này có thực sự quan trọng không? Bạn có tôn thờ những anh hùng từ chiến tranh không? Bạn có được phép làm vậy không? Với nhiều người trong chúng ta, anh hùng của chúng ta chắc hẳn là cha mẹ, những người đã hi sinh tất cả để chạy thoát khỏi Việt Nam. Đối với nhiều người trong số cha mẹ của chúng ta, tuy vậy, Tướng Loan chắc chắn đã được coi là một “hero,” một anh hùng.

Nhưng khi Loan qua đời vào năm 1998, đa số những lời ca tụng được viết bởi truyền thông Mỹ đã thất bại trong việc thừa nhận điều này. Những lời ca tụng đó tất thảy đều là một chiều và thiếu sự khoan dung, gợi nhắc lại tấm hình, “Hành quyết ở Sài Gòn” với những chi tiết vụn vặt về cuộc đời Loan. Đến giờ vẫn chưa có một lời ngợi ca nào được viết bởi người Mỹ gốc Việt bằng tiếng Anh được xuất bản. Do đó, dù rằng đã rất muộn, – hãy để tôi chia sẻ lời ngợi ca của tôi:[2]

đôi dép mềm cho đôi chân ông

một chén cơm nghi ngút khói, cùng những miếng sườn heo ướp đậm đà

tấm ga sạch

chiếc giường trong căn phòng có cửa số hướng Đông

bạn phải chào đón một anh hùng như thế

dáng đi ông khập khiễng

nụ cười ông phóng khoáng, lệch một bên khóe miệng,

bàn tay ông đặt chắc và nhẹ nhàng

trên lưng người chủ nhà

“nhớ hồi đó…” ông bắt đầu

cả căn phòng sững sờ

quá khứ là quá khứ

người đã chết không kể chuyện

nhưng ông vẫn còn sống

và cho đến ngày cuối đời

miệng ông vẫn thốt ra bao lời

không phải về những gì đã mất

mà là về những gì đã được

đứa con thứ sáu của một trung úy chào đời

người lính đầu tiên của ông tậu nhà

cửa hàng mới của anh bạn thân nhất của ông trên đại lộ Bolsa

cửa hàng đầu tiên trên những con phố của Sài Gòn Nhỏ

Một nơi để gây dựng lại những gì đã mất

“tôi thấy anh trên ti-vi,”

một người bạn nói

có ai chưa từng?

tấm hình đả phá

biến anh hùng của chúng ta thành kẻ ác

nỗi đau của bao thế hệ bị coi rẻ

ông tướng nhún vai, “đó là tất cả những gì họ có thể hiểu được,”

“nhưng không phải ai cũng thế,” ông nói

“không phải những người lính của họ, những quân nhân,

những người đàn ông đẹp trai, những người đàn ông đầy sẹo

những người từng có bạn bè hi sinh,

họ hiểu.”

Đó là năm 1968. Đó là Tết của họ. Không phải của chúng ta. Số mệnh đã mang Tết đến cho chúng ta sớm hơn một ngày. Một dấu hiệu của điềm lành, chắc chắn là như vậy. Ta đang ở Sài Gòn. Quân lính của ta đang bình tĩnh và sẵn sàng. Sứ mệnh của ta rất đơn giản. Đó là một sứ mệnh cảm tử. Chúng ta biết điều này khi nhận nhiệm vụ. Nhưng ta nhất quyết thực hiện đến cùng. Tìm kiếm, bắt giữ, khử cho bằng hết những quan chức chủ chốt, làm tê liệt toàn miền Nam Việt Nam. Ta đang ở trại huấn luyện lính thiết giáp với trung tá quân đội Việt Nam Cộng Hòa Nguyễn Tuấn và thành viên gia đình hắn. Ta sẽ buộc hắn phải khởi động các xe tăng. Ta sẽ cướp phá Sài Gòn.

Tết là ngày lễ quan trọng nhất trong văn hóa Việt Nam. Đó là dịp tẩy rửa và bỏ đi các điều xấu ra khỏi nhà, chuẩn bị những món ăn đặc biệt, đoàn tụ cùng thành viên gia đình, và thờ cúng tổ tiên. Sáng ngày 31 tháng 1, Tết năm 1968, khi những gia đình được đoàn tụ còn đang chìm trong giấc ngủ, bụng còn no và những người yêu thương kề bên, các cuộc tấn công của trận “Tổng tiến công Tết” đầy tai tiếng bắt đầu mở ra. Miền Bắc Việt Nam vi phạm thỏa ước ngừng bắn lâu đời với Miền Nam Việt Nam, đáng lẽ phải kéo dài ba ngày .

20150404_Donate-Subscribe-diaCRITICS_640x120f

Khoảng 3 giờ sáng, Chuẩn tướng Nguyễn Ngọc Loan, Tổng giám đốc Cảnh sát Quốc Gia đang đi tuần tra các con phố của Sài Gòn để tìm kiếm lính cộng sản Việt Cộng (VC) miền Bắc. Loan, người được cựu Thủ tướng miền Nam Việt Nam Nguyễn Cao Kỳ mô tả như là “một trong số ít những người hoàn toàn thật thà và liêm khiết ở Việt Nam,” đã nghi một cuộc tấn công do VC thực hiện sắp xảy ra ngay dịp Tết.

Ông đã thông tin cho các quan chức Hoa Kỳ nhưng họ chọn giải pháp phớt lờ ông, một phần bởi vì ông không được lòng họ cho lắm – ông không hề e sợ khi lên tiếng phản đối Chiến dịch Phượng Hoàng từng gây tranh cãi vì sử dụng các biện pháp tra tấn vô nhân đạo đối với tù binh VC. Do đó, khi người Mỹ và quân lính của Quân đội miền Nam Việt Nam của Việt Nam Cộng Hòa (QĐVNCH) được cho về nghỉ lễ, Loan giữ lực lượng của ông ở tình trạng luôn sẵn sàng.

Khi VC tấn công trước bình minh, không như những người khác, Loan đã sẵn sàng để đáp trả. Dựa vào tiếng ồn của pháo Tết làm ngụy trang, 4000 lính VC cải trang làm lính QĐVNCH và sĩ quan cảnh sát quốc gia khởi động cuộc tấn công vào Sài Gòn. Mục tiêu đầu tiên của họ, Đài Phát Thanh Quốc Gia, bị Loan đánh bại. Loan, với phong cách thông thường của ông, dẫn đầu một trung đội cảnh sát tiến thẳng vào đài phát thanh để giành lại nó và ngăn chặn không cho VC loan tải tuyên truyền. Từ thời điểm đó, Loan hành động liên tục, không ngừng nghỉ, để phối hợp cuộc bảo vệ thành phố.

Một phần không thể thiếu của Cuộc tổng tiến công Tết là kế hoạch ám sát các quân lính QĐVNCH, sĩ quan cảnh sát quốc gia, công chức chính phủ bị “liệt vào danh sách đen,”  gia đình họ. Đại úy đặc công Nguyễn Văn Lém, bí danh Bảy Lốp, chỉ huy biệt đội cảm tử VC và những kẻ ám sát khác đã xâm nhập vào tư gia của nhiều cá nhân được định trước ở khắp nơi trong Sài Gòn. Họ lục soát nhà cửa, bắt người làm con tin, và dựng lên những phiên tòa công cộng mini nơi họ tuyên bố những nạn nhân là những kẻ phản bội trước khi hành quyết họ ngay tức khắc.

Bảy Lốp là một phần của một chiến dịch ám sát toàn diện, một phần không thể thiếu của các chiến dịch khủng bố của VC. Đã có con số báo cáo rằng chương trình này đã gây ra cái chết của 11.200 thường dân, bắt cóc 39.750 người khác trong khoảng thời gian từ năm 1958 đến năm 1966.

Nguyễn Trường Toại, một người lính QĐVNCH, người đã từng đối đầu với Bảy Lốp và biệt đội cảm tử của hắn trong một cuộc đọ súng ngày 31 tháng 1, đã kể lại rằng ở thời điểm dữ dội nhất của trận giao chiến, Bảy Lốp đã dùng trẻ con làm tấm chắn bảo vệ để hắn chạy trốn. Khi Loan đến hiện trường, ông nhìn trân trân vào những xác trẻ con nằm la liệt trên phố trong sự lo ngại. Đó không phải là lần đầu tiên trong ngày Loan phải chứng kiến cảnh đàn ông, đàn bà, con nít, bạn bè, gia đình, quân lính, và người già bị giết chết trên đường phố. Và ông cũng không phải là người duy nhất trải nghiệm điều đó.

Cựu điệp viên tình báo Mỹ gốc Việt Yung Krall đã ghi lại trong hồi ký của bà, A Thousand Tears Falling (Ngàn Giọt Lệ Rơi):

“Không có lời nào có thể tả nổi những con phố: người chết nằm la liệt khắp nơi…xác chết của một người đàn ông treo lủng lẳng trên cành cây me trên đường Công Lý. Tiếng súng nổ gần đến nỗi tôi có thể nghe thấy tiếng đạn rít lên trong không trung…có một người ăn xin với đôi chân bó bột trông rất đáng sợ và cô con gái sáu tuổi của ông, người thỉnh thoảng phải quấn băng bông quanh đầu; khi chúng tôi lái xe qua nơi họ thường nằm ngủ, tôi thấy thân thể của cả hai người tan nát thành nhiều mảnh tung tóe bên bức tường gạch.”

Tổng thống miền Nam Việt Nam, Tướng Nguyễn Văn Thiệu đã tuyên bố tình trạng thiết quân luật và toàn thành phố chìm trong khói lửa. Phải đến cuối ngày hôm đó Bảy Lốp mới bị bắt giữ bên cạnh một núi 34 thây người, ngay sau khi Bảy Lốp vừa chặt đầu một trung sĩ công an và bắn vợ và sáu người con của ông ta đến chết, theo những gì Thủ tướng Kỳ ghi lại trong cuốn hồi ký của ông, Có tin đồn rằng sĩ quan cảnh sát bị hành quyết đó là một trong những người bạn thân nhất của Loan. Ngay sau khi bị bắt, vận bộ đồ kẻ ca-rô, quần soọc, đi dép tông, Bảy Lốp bị QĐVNCH áp tải tới gặp Loan. Đây là lúc nhà nhiếp ảnh Eddie Adams của hãng Associated Press (AP) và Võ Sửu, người quay phim cho NBC, xuất hiện.

Vài dòng trước khi chúng ta tiếp tục: trong sự hỗn loạn của ngày đó, hai tấm hình đáng chú ý đã được các nhà nhiếp ảnh của hãng AP chụp. Tấm hình đầu tiên chụp quân lính QĐVNCH đứng bên cạnh những xác chết của một trung tá miền Nam Việt Nam bị chặt đầu, cùng vợ và sáu đứa con bị giết chết của ông. Mặc dù tấm hình không nêu đích danh người trung tá, nhiều người Việt đã chứng thực và liên hệ tấm hình này với cuộc ám sát trung tá Tuấn và gia đình ông do Bảy Lốp thực hiện. Tấm hình thứ hai chụp một sĩ quan QĐVNCH ôm xác đứa con gái mới bị giết hại với lời chú thích nhắc đến vụ ám sát trung tá Tuấn và gia đình.

7044272211_0f3a63bbb8_b

ARVNofficer

Cả hai tấm hình này đều cực kỳ khó tìm, thế nhưng chúng lại là những tấm hình hiếm hoi có thể miêu tả một cách thích đáng hoàn cảnh dẫn tới tấm hình mà bạn đã xem, tấm hình đã đọng lại trong tâm trí bạn.

Mặt trời đã mọc và không ai có thể nói rằng chúng ta đã không chiếm đoạt Sài Gòn như vũ bão. Nếu chúng không biết cơn giận dữ của Mặt trận Giải phóng Quốc gia, giờ này chúng đã biết. Ta biết ta đang bị đưa đi hành quyết. Nhưng có hề gì bởi vì tên tuổi ta sẽ còn sống mãi. Ta đã phục vụ Bác Hồ hết mình. Ta thấy ông ta tiến lại. Ông ta là ai, người đàn ông sẽ xử tử ta? Mặt đất gồ lên dưới chân ta và ta cảm nhận không khí cuồn cuộn khi khẩu súng lục được nâng lên ngang đầu ta. Một tiếng gầm. Một hơi thở. Đôi chân ta khuỵu xuống. Một cảm tử quân thành hình. 

Adams đã chộp được hình ảnh này, mặc cho dòng máu chạy rần rật trong huyết quản. Máy quay phim của Võ Sửu tiếp tục lia, ghi lại từng giây phút. Viên đạn rời khỏi khẩu súng của Loan, xuyên vào đầu Bảy Lốp và làm nên lịch sử. Loan tiếp tục nhiệm vụ, vật lộn để chỉ huy cuộc bảo vệ thành phố. Adams lui về phòng tối. Khi bức hình được in ra, Adams đã thốt lên một tiếng kêu phấn khích. Đó là lần đầu tiên và lần cuối cùng Adams thể hiện một cảm xúc tích cực về tấm hình, mặc dù ông đoạt giải Pulitzer cho tấm hình này.

Eddie Adams (1969)

Trong vòng 11 giờ, vào buổi tối ngày 1 tháng 2, đoạn phim quay cảnh hành quyết được phát đến từng phòng khách của các gia đình Mỹ. Ngày hôm sau, tấm hình của Adams được đăng trên nhiều tờ báo, bao gồm The New York Times, The Los Angeles Times, và The Washington Post.

Đó là một ngày mưa tháng 2 năm 1968 khi tôi được sinh ra lần nữa. Thế giới cũ giờ nhìn mới lạ quá, khác quá, và cả đến bây giờ các kỷ niệm đã bắt đầu mờ dần. Trong tôi tràn đầy những cảm xúc mới. Tôi đã cảm thấy những điều này trước đó, có phải vậy không? Đói, thèm được ôm mẹ. Một nghi lễ đang được tiến hành. Tôi vừa tròn một tháng tuổi. Ba tôi tự hào. Một cô con gái. Mắt ông ngấn lệ. “Con sẽ không phải chiến đấu một cuộc chiến tranh nào. Ta sẽ đảm bảo điều đó,” ông nói. Ông chào một người đàn ông đứng bên cạnh. “Tướng Loan,” ông nói, “Ông đã cứu mạng tôi; vợ tôi và tôi nợ ông nhiều lắm. Chúng tôi đã quyết định đặt tên con gái chúng tôi là “Loan.” Người cha đỡ đầu của tôi mỉm cười nhìn tôi, nụ cười lệch một bên khóe miệng. Tôi biết người đàn ông này, phải vậy không nhỉ? 

Hết phần 1.

[1] Bài tiểu luận này được ghi chú dày đặc. Để tìm hiểu thêm thông tin xin ghé thăm trang zmquynh.com hoặc liên hệ với tác giả tại [email protected]

[2] Bài thơ và câu chuyện được viết chữ nghiêng là cách hiểu ẩn dụ hư cấu hóa của tôi về thái độ của một số người miền Nam Việt Nam về Nguyễn Ngọc Loan dựa trên nghiên cứu và điểm báo chí truyền thông, các trang blogs trên Internet bằng tiếng Việt, các thảo luận và trò chuyện trên mạng trong phần phản hồi của các blogs và bài báo tiếng Việt, v.v. Các đoạn này là một sáng tác hư cấu, mặc dù chúng dựa phần nào vào ông Nguyễn Ngọc Loan, một nhân vật của công chúng. Các tên, nhân vật, cơ sở kinh doanh, địa điểm, sự kiện và sự việc hoặc là sản phẩm của trí tưởng tượng của tôi hoặc được sử dụng một cách hư cấu. Bất kỳ điểm tương đồng nào với người thật, còn sống hay quá cố, hoặc với sự kiện thật, hoàn toàn chỉ là ngẫu nhiên.

 

Huong Nguyen (Nguyễn Thị Hường) làm nghiên cứu và dịch thuật tại Evanston, IL.

Z.M. Quỳnh nương náu trong một căn phòng nhuốm màu xanh nuôi dưỡng đôi bàn tay chai sạn mòn vì không ngừng chép lại những giấc mơ bồn chồn không yên. những cuộc sống trong quá khứ bao gồm những cuộc chơi rải rác qua những bãi mìn đô thị với mỗi bước hụt là một nhắc nhở rằng cuộc đời không dễ gì sắp đặt được bởi người vẽ bản đồ nghiệp dư này. bị lôi cuốn một cách phi lý vào việc dời non từng hòn đá một, quỳnh nhất quyết chế tạo một cỗ máy để kéo dài cuối tuần thêm một ngày (chỉ một ngày – đó là tất cả những gì cô cần!) để cô có thể hoàn thành một cuốn tiểu thuyết về hậu quả cuộc chiến Việt Nam.


 Do you enjoy reading diaCRITICS? Then please consider subscribing!

Please take the time to rate this post (above) and share it (below). Ratings for top posts are listed on the sidebar. Sharing (on email, Facebook, etc.) helps spread the word about diaCRITICS. And join the conversation and leave a comment! 

SaveSave

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here