PHỎNG VẤN QUAN BARRY: “NGHỆ THUẬT CHO TA CÁI NHÌN VƯỢT TRÊN BẢN THÂN”

Quan Barry’s ‘She Weeps Each Time You’re Born’ and ‘Loose Strife’
Quan Barry’s ‘She Weeps Each Time You’re Born’ and ‘Loose Strife’

Năm 2015, hai cuốn sách của nhà thơ đã từng đoạt giải có tên Quan Barry đã được xuất bản: tiểu thuyết “She Weeps Each Time You’re Born” và tuyển tập thứ tư của bà với tựa đề “Loose Strife”.  “She Weeps Each Time You’re Born” kể về Rabbit, một phụ nữ Việt Nam với sức mạnh có thể nghe thấy tiếng nói của người chết. Nhờ vào năng lực tâm linh này, Barry đã tái hiện lịch sử Việt Nam – không chỉ là sự tàn phá của chủ nghĩa thực dân, chiến tranh, và xây dựng đất nước mà còn là niềm hy vọng cho quốc gia trong tương lai. Trong khi đó, “Loose Strife” lại bàn về nhiều chủ đề rộng hơn, từ tội ác diệt chủng tại Campuchia cho tới gia đình Lykov ở Liên Xô. Qua hai ấn bản này, ta thấy được đỉnh cao của một nhà văn khi bà, theo lời của nhà phê bình văn học Rigoberto Gonzalez, đã cho thấy được “cách thức bạo lực định hình trí tưởng tượng và sự biểu hiện của con người”.

Trong bài phỏng vấn này, Quan Barry đã trò chuyện cùng Eric Nguyen về tác phẩm, quá trình viết của bà và sức mạnh của thơ ca.

For the original article in English, click here.

Tác phẩm mới nhất “She weeps each time you’re born” là một cuốn tiểu thuyết. Trước đó, bà đã viết bốn tập thơ. Tại sao bà lại đột ngột chuyển sang thể loại hư cấu? Có gì ở thể loại này mà thơ ca không thể làm được?

Thơ ca rất lý tưởng cho việc xây dựng các tự truyện theo cách buộc người đọc phải nâng cao bản thân để có thể cùng ở trong câu chuyện. Nhà thơ Louise Glück đã viết một bài tiểu luận có tựa đề “Sự gián đoạn, Sự ngập ngừng, Sự im lặng” (Disruption, Hesitation, Silence”, trong đó bà nói về sức mạnh của những điều không được nói, của sự tỉnh lược ; nói một cách bay bướm hơn, sự im lặng cho phép người đọc đi dần vào sự im lặng để chiêm nghiệm. Tôi bị lôi cuốn bởi thơ ca vì thơ ca có thể tạo ra nhiều tầng ý nghĩa cùng một lúc, nhưng khi viết cuốn tiểu thuyết của tôi, một tác phẩm viết về lịch sử thế kỷ 20 tại Việt Nam, tôi muốn tạo ra một tự sự có tính cấu trúc với bản sắc riêng cùng với các bối cảnh và các mâu thuẫn. Đúng, những bản trường ca như “The Iliad “ cũng có cốt truyện…v…v…, nên tôi không nghĩ rằng tôi chuyển sang viết tiểu thuyết là vì khiếm khuyết của thơ ca trong khả năng thể hiện một điều gì đó. Thay vào đó, với tôi, quyết định viết tiểu thuyết lại được nhen nhóm đơn giản bởi ham muốn được làm một nhà văn. Khi tôi còn là một đứa trẻ, tôi đã viết thơ, truyện ngắn, kịch (thường chỉ trong một trang hoặc ngắn hơn!) – Tôi không biết phân biệt giữa các thể thoại, vì thế với tôi, rốt cuộc, tất cả đều là các bài viết.

Quá trình viết tiểu thuyết hư cấu khác với viết thơ như thế nào?

Thứ nhất, vào khoảng thời gian này trong cuộc đời tôi, tiểu thuyết hư cấu đòi hỏi tôi phải kỷ luật hơn với thời gian của mình. Đối với tôi, phải tốn nhiều thời gian hơn để viết bản thảo đầu tiên của tiểu thuyết hơn là một bản thảo thơ. Tại các khu sáng tác, khi viết thơ, tôi có thể đi vòng quanh, đi bơi, đọc sách, tận hưởng thiên nhiên, rồi ngồi xuống và xuất thần một bài thơ trong vòng ba mươi phút (khi tôi còn là một sinh viên mới tốt nghiệp, tôi mất khoảng thời gian lâu hơn để viết thơ – viết tiểu thuyết hư cấu đã thay đổi các bài thơ của tôi, khiến chúng dài hơn và tôi có thể viết chúng nhanh hơn). Khi tôi viết tiểu thuyết hư cấu, tôi phải kiên nhẫn ngồi bên bàn viết hàng giờ trong ngày.

Thứ hai, tôi cần có cách nhìn khác về các tác phẩm của tôi khi viết tiểu thuyết hư cấu. Với một bài thơ, tôi có thể nhìn tổng thể cùng lúc – bắt đầu, phần thân và kết thúc. Nói một cách ẩn dụ, tôi có thể nhìn từ nhiều góc cạnh khác nhau một cách dễ dàng. Nhưng khi bắt đầu viết tiểu thuyết hư cấu, một bản thảo 300 trang đòi hỏi tôi phải dựa vào những độc giả để giúp tôi nắm rõ điều gì đang diễn ra với các biến cố khác nhau trong tác phẩm. Rất dễ quên Nhân vật A nói gì với X ở trang 80, nhưng các độc giả sẽ giúp tôi nhớ lại những dữ kiện tôi đã đưa ra. Họ cũng giúp tôi nhận ra nhiều điều về diễn biến và cốt truyện mà đôi khi tôi thậm chí không biết đến khi tôi đang viết bản thảo đầu tiên.

Author Quan Barry

“She Weeps Each Time You’re Born” rất khác với các cuốn tiểu thuyết khác cũng của các nhà văn Mỹ gốc Việt khi bà dành nhiều phần viết cho thời điểm trước cuộc chiến tranh Việt – Mỹ và sau đó. Tại sao bà lại chọn cách làm như vậy?

Tôi để ý thấy rằng nhiều tác phẩm đương đại viết về Việt Nam đều xoay quanh đề tài chiến tranh; và với nhiều người Mỹ, Việt Nam trở thành một ẩn dụ cho một sự sa lầy. Tôi quyết định rằng tôi muốn viết một cuốn sách mang tính lịch sử về Việt Nam thế kỷ 20. Đó là một quyết định có ý thức của tôi rằng tôi sẽ không dành phần lớn cuốn sách để viết về chiến tranh mà là để viết về các khía cạnh khác của lịch sử Việt Nam.

Rất nhiều tác phẩm của bà nói nhiều về bạo lực. Trong “She Weeps Each Time You’re Born”, là bạo lực của chủ nghĩa thực dân, chiến tranh và các trại cải tạo. Trong “Loose Strife”, tập thơ mới nhất của bà, chúng tôi thấy bạo lực ở chủ nghĩa phân biệt chủng tộc, khinh ghét đàn bà, sự diệt chủng, và hơn thế nữa. Tại sao bà lại viết về bạo lưc? Điều gì khiến bà quay trở lại với chủ đề này?

Tôi đã từng nghĩ rằng tôi viết rất nhiều về bạo lực, nhưng giờ tôi nhận ra rằng những gì tôi thực sự viết là về sự xung đột. Xung đột là thứ khiến thế giới chuyển động, không phải sao? Xung đột giữa các cá nhân, các nền văn hóa, các quốc gia, các thế hệ, đàn ông và đàn bà, …v…v…Ở trung tâm của nó, ngay cả bộ phim hài lãng mạn nhất cũng là một sự xung đột – liệu cô gái có lấy được chàng trai không? Tôi nghĩ tôi chọn viết về xung đột bởi vì tôi quan tâm đến việc làm sáng tỏ các câu chuyện mà xã hội không quan tâm.  Và tôi không quan tâm đến việc cải đạo – tôi quan tâm đến việc tìm ra điều gì đó xoay quanh một cuộc xung đột nào đó. Ghi chép lại các biến cố/ lưu giữ lại những gì xảy ra thường xuyên là không đủ với tôi; một cách lý tưởng, tôi thích tạo ra các mối liên kết – các tình huống này giống các tình huống khác như thế nào qua thời gian, không gian, con người…v…v…, và nhiệm vụ của tôi là như thế nào trong tình huống này. Tôi đã bị định hình bởi điều đã xảy ra/ đang xảy ra như thế nào?

Trong “Loose Strife” (Ngay đến Homer cũng nhận ra sự man rợ của màn kịch)”, bà dường như tự vấn về sức mạnh của thơ ca: 

 

“Ngay đến Homer cũng nhận ra sự man rợ của màn kịch,

thay vào đó chọn biện giải tự sự

trong hình thức ôn hòa, hồi tưởng những ngày không gió, hạm đội Hy Lạp

chiếm đóng Aulis. Đó là Euripides người nhân đạo hóa

vị vua…”

Nhiều nhà thơ tin rằng có sức mạnh trong thơ ca. Bà nghĩ gì về sức mạnh của thơ ca? Bà có nghĩ rằng sức mạnh này cũng có sự hạn chế?

Đầu tiên, với tôi, trích dẫn này chỉ chỉ đơn giản là sơ lược của những cách khác nhau mà các nhà thơ mô tả về Agamemnon hiến tế con gái của ông ta – Tôi nghĩ rằng Homer đã nói giảm, nói tránh điều này không phải bởi vì ông không thể trải qua sự rùng rợn của màn kịch bằng thơ ca, mà vì ông muốn duy trì thiện cảm với nhân vật Agamemnon.

Về sức mạnh của thơ ca, dường như nghe có vẻ hoài nghi và hiển nhiên nhưng với tôi, ngôn ngữ dưới mọi hình thức đều mạnh mẽ kể cả sự im lặng, vì vậy theo ước tính của tôi, thơ ca không mạnh hơn hay kém hơn chính bản thân ngôn ngữ. Tôi cho rằng nếu thơ có sức mạnh vốn có, thực sự là vì nó thường ngắn và giàu hình ảnh, và trong nền văn hóa tiêu dùng nhanh chóng, thơ ca thường là ngôn ngữ được tạo ra trong cảm giác tốt nhất, do đó nó đòi hỏi chúng ta sử dụng các tế bào thần kinh khác lạ hơn những gì nền văn hóa của chúng ta thường yêu cầu.

Tôi cũng nghĩ rằng một trong các sức mạnh của thơ ca đó là nó không dẫn đến kết quả nào cả. Thơ ca mà cố tạo ra một cảm xúc riêng biệt đích xác nào đó trong người đọc thường tạo cảm giác bị định hướng quá đáng.

Quan Barry’s ‘Controvertibles and ‘Asylum’
Quan Barry’s ‘Controvertibles and ‘Asylum’

Tập thơ “Loose Strife” được truyền cảm hứng từ một buổi triển lãm năm 2012 có cùng tên, một sự cộng tác giữa bà và Michael Velliquette. Sự hợp tác này bắt đầu như thế nào? Và quá trình viết cuốn sách này khác thế nào với các cuốn sách trước đó?

Michael và tôi là bạn tốt, và tôi là “fan” của các tác phẩm của ông trong nhiều năm. Thời gian trước, khi ông được một phòng tranh ở Madison mời thực hiện một cuộc triển lãm, ông đã hỏi tôi liệu tôi có muốn cộng tác với ông. Quá trình hợp tác của chúng tôi khá thú vị bởi vì tôi có xu hướng làm việc một cách tự nhiên theo bản năng, nghĩa là tôi nghe vài điều từ tin tức hoặc thấy vài hình ảnh thu hút tôi, và tôi sẽ đắm chìm bản thân trong dữ kiện đó trong một thời gian rồi sau đó có thể là viết một bài thơ. Nhưng với cuộc triển lãm này, chúng tôi cùng đưa ra ý tưởng và chủ đề – chúng tôi  cần chọn một thứ gì đó có thể tạo cảm hứng cho cả hai nhưng vẫn cho chúng tôi lần lượt thực hiện theo cách chúng tôi vẫn làm, do đó chúng tôi quyết định lấy cảm hứng từ “The Oresteia” của Aeschylus và ý tưởng về một nền văn hóa chuyển đổi từ sự phụ thuộc vào mối thâm thù huyết hận sang một hệ thống công lý dựa trên chính pháp luật…v..v… Nhìn chung, tôi bắt đầu suy nghĩ về các ý tưởng của sự hỗn độn, của xung đột dưới mọi hình thức khác nhau, không chỉ về thể xác mà cả môi trường, cảm xúc, kinh tế…v…v… Một  khi tôi bắt đầu suy nghĩ theo các khái niệm này, việc viết một cuốn sách không khác gì các dự án mà tôi đã thực hiện, nhưng ban đầu nó lại có vẻ khác do tôi phải sáng tác từ ý tưởng bên ngoài thay vì viết về những điều tôi quan tâm rồi sau đó tìm kiếm các chủ đề phổ quát trong sáng tác và tìm cách liên kết chúng với nhau, giống cách tôi thường làm với các tập thơ khác.

Cùng sự hợp tác với Michael Velliquette, rất nhiều bài thơ của bà đề cập đến các tác phẩm nghệ thuật khác như phim, bi kịch, tiểu thuyết hư cấu, và cả các bài thơ khác. Bà nghĩ gì về mối quan hệ giữa thơ ca và các hình thức nghệ thuật khác?

Chữ thơ từ xuất phát từ động từ Hy Lạp “làm”, do đó thơ, ở một mức độ nào đó, thực sự là một tạo tác và nhà thơ là những tác giả. Theo một nghĩa nào đó, bất cứ hành vi sáng tạo nào cũng đều tạo ra một bài thơ, liệu rằng đó là phim, âm nhạc, vũ điệu, đồ gốm, tất cả những gì bạn có.  Nếu bạn nghĩ về nó theo nghĩa rộng hơn, thế giới vật chất và tất cả mọi thứ đều là các bài thơ. Nếu chúng ta nghĩ về hình thức cao hơn của nghệ thuật, chúng ta thường sử dụng thơ ca như sự lý tưởng, chúng ta nói những thứ giống như thế này: “Michael Jordan chuyển động đầy tính thơ”. Đôi khi những áng tiểu thuyết đẹp cũng được mô tả là có tính thơ hoặc trữ tình. Vì thế tóm lại, tôi đoán rằng, thơ ca và từ ngữ của thơ ca có thể được sử dụng để diễn tả nhiều hình thức khác nhau của nghệ thuật.

Vậy vai trò của thơ ca – và nghệ thuật nói chung – trong xã hội, đặc biệt là trong các xã hội, các nền văn hóa và các thời đại được đánh dấu bởi bạo lực là gì?

Đáng buồn, ngay tại trường đại học, nghệ thuật và nhân văn đang bị siết chặt và đẩy xuống hạng hai để nhường chỗ cho các ngành STEM (Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật, và Toán học). Thế nhưng, đến cuối mỗi ngày, chính nghệ thuật là thứ mà chúng ta tìm đến để tận hưởng trong thời gian rỗi như âm nhạc, phim ảnh/TV, truyện kể…v…v… Ngày càng có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng văn chương là cách tốt nhất để học về sự đồng cảm – chúng ta học cách thương cảm với hoàn cảnh của các nhân vật khác với chúng ta. Dù cho những khiếm khuyết mà độc giả hiện đại phát hiện trong “Túp lều bác Tom”, cuốn sách vẫn giúp một thế hệ người đọc cảm thông với những nô lệ. Nghệ thuật cho ta cái nhìn vượt trên bản thân, và bất cứ khi nào chúng ta làm thế, đều là điều tốt.

 


Quan Barry là tác giả của ba tập thơ trước đó: “Asylum”(“Tị nạn”) – giải thưởng Agnes Lynch Starrett Poetry Prize; , “Controvertibles”(“Đối nghịch”), “Water Puppet” (“Rối nước”) – giải thưởng Donald Hall Prize in Poetry; và “Loose Strife”. Bà cũng là tác giả của tiểu thuyết “She Weeps Each Time You’re Born”. Barry nhận hai học bổng từ Tổ chức hỗ trợ Quốc gia cho nghệ thuật cho cả thơ ca và tiểu thuyết hư cấu. Bà là giáo sư Anh ngữ tại Đại học Wiscousin- Madison.

Eric Nguyen là thạc sĩ mỹ thuật chuyên ngành sáng tác từ trường đại học McNeese và cử nhân nghệ thuật chuyên ngành xã hội ở đại học Marylad. Anh được nhận học bổng về văn chương từ Lambda Literary Foundation và  Voices of Our Nations Art (VONA)

_

Dịch giả: Nhà văn, biên kịch Hà Thủy Nguyên

Hiệu đính: Nguyễn Thị Hường, làm nghiên cứu và dịch thuật tại Evanston, IL


Do you enjoy reading diaCRITICS? Then please consider subscribing!

Please take the time to rate this post (above) and share it (below). Ratings for top posts are listed on the sidebar. Sharing (on email, Facebook, etc.) helps spread the word about diaCRITICS. And join the conversation and leave a comment!

SaveSave

SaveSave

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here