Phỏng vấn tác giả Monique Truong

AuthorInterviewMoniqueTruongTwo640

Christine Lee Zilka và Sunny Woan từ báo Kartika Review (số 15, Xuân 2013) đã có cuộc phỏng vấn sâu với Monique Truong, nhà văn viết truyện hư cấu và tiểu luận người Mỹ gốc Việt, tác giả cuốn Sách về muối (2003), Đắng trong miệng (2010), và đồng biên tập cuốn Ngấn nước: Văn thơ người Mỹ gốc Việt (1998). Cuộc phỏng vấn bàn về vấn đề làm thế nào mà ăn uống là chủ đề trở đi trở lại trong sách của cô, các quá trình viết của cô gắn liền với bối cảnh vật chất và hành động viết thực sự ra sao, và cảm hứng của cô khi viết cuốn Vị đắng trong miệng.

Bạn đã đăng ký nhn bài ca diaCRITICS chưa? Đăng ký đ trúng thưởng! Đc thêm chi tiết ở đây.

Là một trong số những nhà văn thành công rực rỡ ở mảng văn chương Mỹ Việt hiện đại, Monique Truong khơi gợi cảm hứng với nhân vật và giọng văn êm ả, thông minh của mình. Cô là cựu biên tập viên truyện hư cấu của tờ Tạp chí người Mỹ gốc châu Á Thái Bình Dương và đồng biên tập hợp tuyển được đánh giá cao Ngấn nước: Văn thơ người Mỹ gốc Việt. Monique sinh ra tại Sài Gòn và tới Mỹ khi còn nhỏ hồi năm 1975. Cô học ở Yale, rồi học trường Luật Columbia, và vào năm 2003 xuất bản cuốn đầu tay Sách về muối, cuốn dành được vô số giải thưởng. Năm 2010 cô xuất bản cuốn thứ hai Đắng trong miệng.

AuthorInterviewMoniqueTruongTwo640

Đắng trong miệng kể về Linda, một phụ nữ trẻ lớn lên hồi thập niên 1970-1980 ở Boiler Springs, một thị trấn nhỏ ở Bắc Carolina. Linda trải nghiệm ký ức và ngôn từ thông qua việc nếm náp, một chứng bệnh được biết đến với cái tên loạn cảm giác. Câu chuyện vừa là về giai đoạn trưởng thành vừa có phần bi kịch khi Linda khám phá quá khứ của mình và có những phát hiện về gia đình và bản thân.

Giống như cuốn đầu tiên của Monique, Sách về muối, một câu chuyện hư cấu về đầu bếp riêng người Việt của Gertrude Stein và Alice B. Toklas, Đắng trong miệng xoay quanh thức ăn và ăn uống. Trong một trong số những buổi phỏng vấn tinh tế nhất của chúng tôi, các biên tập viên tờ Kartika trò chuyện với Monique về tác phẩm của cô và nghi thức viết của cô. Những hồi đáp, sự thâm trầm, và vẻ đẹp ngôn từ đáng kinh ngạc của cô đã khiến chúng tôi yêu tác phẩm của cô sâu hơn.

__________________________________________________________

 Bn có thích đc diaCRITICS không?

Nếu thế thì mời đăng ký nhận bài hoặc GÓP TIỀN GIÚP ĐỠ.

Xem các lựa chọn ở góc phải bên trên, đăng ký qua email hoặc bản tin RSS.

__________________________________________________________

KARTIKA REVIEW (KR): Lấy ăn uống làm chủ đề ư? Chị đã nói trong những cuộc phỏng vấn trước là sách của mình không bàn về ăn uống, nhưng – chúng vẫn xoay quanh thức ăn và khẩu vị. Chị coi chúng không liên quan tới ăn uống là sao?

MONIQUE TRUONG (MT): Là nhà văn, tôi quan tâm tới thức ăn và ăn uống như sự trình diễn, nghi lễ, sự thay thế, phần thưởng, hình phạt, niềm hoan lạc, sự đối kháng, như phương tiện sáng tạo và giao tiếp. Về cơ bản, tất cả mọi thứ ngoại trừ thức ăn. Nếu viết về quả mận chín cây, lớp vỏ màu tím của nó bị mặt trời làm nứt nẻ, thì tôi không viết để khiến độc giả thèm quả mận, mà viết vì những gì nó đại diện trong chuyện. (Chắc hẳn, trong cuộc sống, tôi cũng thèm quả mận ấy. Trong văn chương, hi vọng quả mận phức tạp hơn thế.)

KR: Viết về chủng tộc khác rất khó – và trong Sách về muối, chị viết về giới khác, tính dục khác. Chị đối mặt với thử thách gì khi viết về một nhân vật nam đồng tính?

MT: Câu kinh của tôi khi viết Sách về muối là: Yêu là yêu. Khát khao là khát khao. Thỉnh thoảng điều tệ hại nhất mà chúng ta, với tư cách nhà văn và con người, có thể giả định là tình yêu của những người “khác mình” thì cũng khác về chất so với tình yêu của ta và vì thế không thể biết hay không thể hiểu được. Những hoàn cảnh và biểu hiện của tình yêu đó có thể khác, nhưng bản thân tình yêu thì không. Tôi thấy là nếu thành thật với điều đó, thì mình có thể tạo ra một nhân vật có sự toàn vẹn và cộng hưởng về mặt tình cảm bất kể giới tính, định hướng tính dục, hay giai đoạn lịch sử nào.

KR: Tôi xin thú nhận – Một buổi chiều mưa ở Hedgebrook, khi đang lướt qua những dòng lưu niệm của những người đã ở nhà Cây sồi trước đây, tôi phát hiện ra chị đã ở trú ở đó trong một nhiệm kỳ di trú viết văn. Tôi nhặt cuốn Sách về muối lên, bắt đầu đọc, và bắt gặp một đoạn văn trong đó chị mô tả mưa rơi trên mái nhà – và sự giống nhau giữa mưa rơi trên mái nhà Cây sồi ở Hedgebrook và mưa rơi trên mái nhà ở Paris thì không chối cãi được.

Vài nhà văn bảo họ không đem bối cảnh vật chất của mình vào tiểu thuyết – người khác lại bảo họ phải đi xa để thấy những nơi mà mình đã sống. Nhưng ở đây – đây này, tôi thấy Hedgebrook, trong thời gian thực. Có phải chị viết đoạn này khi ở Hedgebrook? Bối cảnh vật chất thấm vào văn chị tới mức nào?

MT: Tôi nghĩ bạn nói đến đoạn văn sau: “Tôi, giống các anh mình, được thụ thai trong cơn mưa như trút. Mùa mưa có gì khác để làm cơ chứ? Khốn thật, tôi nghi mọi người ở Sài Gòn cũng được thụ thai trong tiếng mưa, lênh láng trên mái nhà, lượn lờ xuống ống dẫn nước mưa.”

Tôi khá chắc là mình viết đoạn này khi nhiệm trú lần đầu ở Hedgebrook (trong ba tháng mùa xuân năm 2000). Tôi không biết làm sao mà không viết bối cảnh vật chất của mình vào tiểu thuyết được. Cơn mưa ào ạt ở bang Washington là giai điệu mà nhờ đó tôi viết nhiều chương trong cuốn Sách về muối, đặc biệt những chương về mẹ của Bình.

Đó là một ví dụ khác về việc bối cảnh vật chất đã len vào trong chuyện của tôi như thế nào. Hedgebrook là một nơi nhiệm trú dành cho nhà văn nữ, và ba tháng nói chuyện chủ yếu với phụ nữ, nghe những câu chuyện về cuộc đời họ, cuộc đời của bà họ, của mẹ họ đã khiến tôi thích nghi sâu sắc với những thúc ép và hành động phản kháng mà dù thế nào đi chăng nữa cũng xảy ra với phụ nữ trong lịch sử.

Dĩ nhiên, nhiều hành động dũng cảm, chống đối này không diễn ra nơi công cộng mà ở trong nhà. Với tôi, mẹ của Bình là một trong số những phụ nữ nổi loạn. Bà can đảm, ương ngạnh khi yêu một thầy giáo. Tôi không chắc mình mô tả bà cũng y vậy nếu viết ở chỗ khác.

KR: Sách nấu ăn của Alice B. Toklas là cảm hứng cho Sách về muối – vậy còn cảm hứng cho cuốn Đắng trong miệng là gì?

MT: Tôi xem một đoạn về chứng loạn cảm giác, một chứng bệnh thần kinh gây ra sự trộn lẫn các giác quan, trong một chương trình truyền hình. Có cuộc phỏng vấn với một người Anh, người có khẩu vị khi nghe hay nói những từ nhất định. Đó là hạt mầm cho tôi viết cuốn Đắng. Tôi biết chứng bệnh này cho phép tôi lại viết về thức ăn và các hương vị, nhưng từ góc độ khác lạ.

KR: Trong Đắng trong miệng, kinh nghiệm được thể hiện qua khẩu vị. Có điều gì nơi khẩu vị, so sánh với các cảm giác thể chất khác (nhìn ngó, sờ mó, nghe ngóng, v.v..), mà khiến nó có vẻ lôi cuốn văn chị? Mặc dù với nhân vật chính trong Đắng, đó là tình trạng sức khỏe, còn với độc giả nó là cái nhìn khác trong truyện. Điều gì gợi cảm hứng cho chị để kể về cái nhìn khác ấy?

Khẩu vị là cảm giác chủ đạo của tôi. Tôi thích nó, và nó thích tôi lại ngay. Tôi có ký ức cực tốt về các hương vị và có thể kết hợp chúng trong đầu, trải nghiệm chúng một cách trừu tượng. Tôi nghĩ nhiều đầu bếp tại gia, bếp trưởng giỏi cũng có thể trải nghiệm điều này. Các ký ức của tôi thường gắn liền với những khẩu vị thức ăn rất rõ ràng mà tôi ăn đúng vào những giây phút lén lút ấy. Chẳng hạn, tôi có cô bạn học chung đại học, người giới thiệu tôi món ô liu sấy khô. Bất cứ khi nào nghĩ tới cô ấy, tôi đều ngửi thấy mùi hương mặn mà, béo ngậy nhè nhẹ của những quả ô liu đen và có thể thấy chúng đang ở trong chiếc đĩa nhỏ trên bàn cô ấy.

Chứng loạn cảm giác của Linda là cảm giác bí mật của cô. Các bí mật và việc trốn tránh ngay giữa ban ngày là chủ đề được khai thác theo nhiều cách trong Đắng trong miệng. Nhưng trước khi tiết lộ toàn bộ những điều này, tôi muốn mời độc giả đồng nhất với Linda. Đúng, bệnh của cô ấy hiếm gặp, bất thường, nhưng tôi thực lòng nghĩ, thật dễ dàng và hấp dẫn khi tưởng tượng ta có thể hiểu nó. Các hương vị mà Linda cảm nhận khi nghe nói những từ ngữ nhất định là hương vị trên bàn ăn Mỹ giữa thập niên 1970 trở đi. Nhiều hương vị sẵn có là từ thức ăn được xử lý, đóng hộp và bán cho dân thường. Những hương vị đó, trong thực tế, là những mẫu số thường gặp.

Linda, trái lại, không thường gặp. Cô ấy hiếm hoi. Tới chương 2, cô đã cung cấp cho độc giả một trong số những chìa khóa của cuốn tiểu thuyết: “Chẳng hạn, tôi có thể bảo rằng ký ức đầu tiên của mình là vị chuối sống, và nhiều người trên thế giới sẽ gật đầu, quen với sự khó chịu này. Nhưng tất cả chúng ta không nếm cùng một thứ quả chưa chín. Để cảm thấy không quá cô đơn trên thế gian này, chúng ta làm mờ đi lằn ranh các ký ức chủ quan của mình và nói với nhau rằng, ‘Tôi biết chính xác ý bạn là gì!’”

KR: Một chủ đề hữu ý trong Đắng trong miệng là sự căng thẳng giữa chân lý và chuyện kể (chẳng hạn, nhân vật người bà), giữa lịch sử khách quan với chủ quan. Chị đã đề cập trong các cuộc phỏng vấn trước rằng toàn bộ lịch sử (cũng như luật pháp) là chuyện kể. Chị có nghĩ đó là một trong số những lý do để chọn góc nhìn ngôi thứ nhất cho cả hai cuốn Sách về muối Đắng trong miệng, rằng ý niệm của chị về sự tồn tại khách quan là nằm trong câu chuyện chủ quan?

MT: Tôi là người tin chắc rằng cách một người kể câu chuyện của mình cũng tiết lộ nhiều điều như chính câu chuyện vậy. Giọng kể ngôi-thứ-nhất, với tôi, là cách hay nhất để khám phá toàn bộ những thứ như-thế-nào đó. Chẳng hạn, những chuyện đầu tiên Linda kể cho bạn về mình và những gì cô ấy giấu tới về sau.

Tôi cũng thích giọng kể ngôi-thứ-nhất vì nó cho phép tôi có một ngữ vựng và quan hệ đặc-trưng-chỉ-có-ở-nhân-vật với ngôn ngữ, vốn là biểu hiện khác của sự chủ quan. Một nhân vật có thể gắn ý nghĩa khác thường cho một từ ngữ quen thuộc thường dùng, hơi hoặc hoàn toàn bóp méo nó đi, và tôi có toàn quyền trong việc tiết lộ với độc giả những đặc tính đó cùng ý nghĩa chúng có thể có.

KR: Với chị, hành động viết diễn ra như thế nào?

MT: Tôi viết cả hai cuốn tiểu thuyết khi ở nhiều nơi khác nhau lẫn ở phòng viết của mình ở Brooklyn. Bất cứ đâu, tôi đều để bàn viết gần ngay cửa sổ. Trên bàn, tôi đặt một hình ảnh thị giác đơn giản liên quan tới câu chuyện mình đang viết. Một bộ lọ muối tiêu mạ bạc nhỏ cho cuốn Sách về muối. Một gạt tàn thuốc lá bằng sứ có hình Bắc Carolina cho cuốn Đắng trong miệng.

Thỉnh thoảng, tôi cho rằng mình phải mang giày, không thì không viết được. Tôi cố không viết khi mặc đồ ngủ và không bao giờ viết khi chỉ mặc đồ lót (xin lỗi, vì chia sẻ nhiều quá). Điều này dĩ nhiên liên quan tới nhu cầu thoát khỏi ngôi nhà hay tòa nhà (cùng bản thảo của mình) trong tình trạng khẩn cấp. Tôi không đùa đâu. Tôi cần cảm giác tự chủ và được chuẩn bị cho quá trình viết của mình, đặc biệt vì những gì diễn ra trên trang giấy/màn ảnh thường thiếu tính tự chủ và sự chuẩn bị.

Tôi cực kỳ tin vào nghi lễ viết, ngược với nề nếp viết. Nghi lễ và nề nếp không giống nhau.

Nghi lễ (đi bách bộ hồi lâu trước khi viết, một tách trà gạo rang trong khi viết, một cái cúi đầu trước anh hùng văn chương của mình, Gertrude Stein và Marguerite Yourcenar, những người mà tác phẩm của họ dưới nhiều hình thức khác nhau hiện đang chiếm một chỗ vinh dự trên bàn viết của tôi) là về sự quá độ thể chất, trí tuệ và tình cảm, việc cần diễn ra trước khi tôi quẳng đi cái tôi thường nhật của mình và trở thành cái tôi viết lách.

Nề nếp là sự lặp đi lặp lại đến tê cóng của hành động: máy tính xách tay, đếm xem mình viết được bao nhiêu từ mỗi ngày, và những hạn chót.

KR: Chuyện kể và tiểu thuyết: cái nào chị thấy thoải mái hơn, và tại sao?

MT: Tôi thích truyện ngắn, nhưng mấy chục năm rồi tôi không viết. Trong tiểu thuyết của mình, tôi luôn hi vọng đạt được sự tiết kiệm về cảm xúc, sự ngoa ngoắt về ngôn ngữ, những biểu tượng mang tính ám chỉ, những thứ hiện diện trong dáng vẻ đẹp nhất của chúng.

KR: Nền tảng luật của chị ảnh hưởng tới truyện hư cấu của chị như thế nào?

MT: Luậtdạy tôi sự chính xác. Hãy tìm kiếm và sử dụng từ ngữ diễn đạt chính xác ý bạn muốn truyền đạt. Đừng thỏa hiệp bằng không sẽ có những hậu quả xấu xí.

KR: Chị có lời khuyên nào cho các nhà văn mới nổi hoặc mới cầm bút không?

MT: Tôi đề nghị họ đi du lịch, không chỉ trong khi họ đang nổi mà trong suốt cuộc đời viết lách của mình. Tôi cũng đề nghị họ nên bỏ tai nghe ra khi đi tàu điện ngầm, xe buýt, tàu lửa v.v.. Nói cách khác, hãy nghe lén. Mỗi ngày mọi người đều nói về những điều kỳ lạ, đáng kinh ngạc. Ngày hôm nọ tôi đi ngang một nhóm đàn ông người Mỹ gốc Phi trên Đại lộ số 6, và một trong số họ cứng cỏi lặp đi lặp lại câu sau vài lần: “Chúa và Hilary Clinton…” Tôi lẽ ra dừng lại và lắng nghe phần sau, nhưng tôi đang vội.

Và đó nữa: Đừng vội vã. Rốt cuộc bạn sẽ bỏ lỡ nhiều thứ.

Người dịch: Nguyễn Vân Hà, M.A., Giảng viên Khoa Ngữ văn Anh, ĐH KHXH&NV, Tp.HCM. Đã dịch các tác phẩm Việt-Anh, Anh-Việt như truyện ngắn “Gấu vượt núi” và “Đầm đỏ” của Alice Munro đăng trên Tiền vệ và báo Hội Nhà văn, truyện “Của thừa kế” của Virginia Woolf đăng trên Phụ nữ Chủ nhật số 35/2002, Hồi ký Điện Biên Phủ của họa sĩ Phạm Thanh Tâm “Drawing under fire” (Sherry Buchanan biên tập, Asia Ink, London, 2005) và nhiều sách, truyện khác.

__________________________________________________________

Bn có thích đc diaCRITICS không? Nếu có thì xin mờđăng ký nhn bài đây.

Vui lòng bỏ chút thời gian chia sẻ bài này. Chia sẻ (qua email, Facebook, v.v.) giúp quảng bá diaCRITICS. Mời bạn tham gia vào câu chuyện và để lại lời bàn. 

__________________________________________________________

LEAVE A REPLY

Please enter your comment!
Please enter your name here